Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 30-50% các trường hợp tử vong do ung thư có thể phòng ngừa được. Thói quen, lối sống có thể tác động đáng kể đến nguy cơ mắc bệnh này. Ung thư không chừa một ai, nhất là người có thói quen kém lành mạnh dưới đây dễ có nguy cơ hơn.
Lối sống ít vận động
Tập thể dục thường xuyên giúp duy trì vóc dáng cân đối, kiểm soát cân nặng, cải thiện khả năng miễn dịch và mức độ viêm nhiễm thấp hơn. Người trưởng thành duy trì ít nhất 150 phút tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi tuần như đi bộ nhanh, đạp xe... Các bài tập cường độ cao như chạy bộ, cử tạ, plank nên thực hiện 75 phút mỗi tuần.
Thói quen ăn uống không tốt
Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ, thịt chế biến và đường có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Mọi người nên hạn chế đồ uống có đường, đồ ăn nhẹ đóng gói, tăng cường tiêu thụ thực phẩm nguyên chất hoặc chưa qua chế biến. Cùng với đó, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc từ thịt trắng đem đến nhiều lợi ích. Chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cùng các chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể để chống lại tổn thương tế bào.
Nghiện rượu bia và thuốc lá
Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây ung thư, liên quan trực tiếp đến ung thư phổi, miệng, họng, bàng quang, thậm chí là ung thư tuyến tụy. Bỏ thuốc lá có thể phòng tránh các bệnh này.
Uống quá nhiều rượu có liên quan đến một số bệnh ung thư như gan, vú và đại trực tràng. Uống rượu vừa phải, tối đa một ly mỗi ngày với nữ, hai ly với nam để bảo vệ sức khỏe.
Giấc ngủ kém
Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến việc sửa chữa DNA, cách cơ thể phản ứng với căng thẳng và chức năng miễn dịch - tất cả đều có tác dụng phòng ngừa ung thư. Người ngủ không đủ hoặc giấc ngủ kém chất lượng trong thời gian dài có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn. Duy trì ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm và lịch trình ngủ đều đặn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
Không bôi kem chống nắng
Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời có nguy cơ mắc bệnh ung thư da, nhất là khối u ác tính. Ưu tiên sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30 và mặc quần áo bảo hộ, che kín các vùng da mặt, cánh tay, chân vào lúc ánh nắng cao điểm từ 10h đến 16h. Kiểm tra da thường xuyên để phát hiện nốt ruồi mới hoặc thay đổi bất thường trên da để phát hiện sớm và tăng cơ hội chữa khỏi.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp