Tình trạng lo âu mạn tính không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng về tinh thần, thể chất và cảm xúc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số biến chứng có thể kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống nhưng phần nhiều phải cần đến sự trợ giúp của chuyên gia, bác sĩ.
Trầm cảm
Trầm cảm và lo âu thường đi đôi với nhau. Người bị rối loạn trầm cảm nặng đa phần từng mắc một hoặc nhiều chứng rối loạn lo âu. Bởi hai tình trạng đều có nguyên nhân tương tự nhau, bao gồm di truyền, tổn thương, chán nản.
Lo lắng, căng thẳng liên tục dẫn đến cảm giác tuyệt vọng và buồn bã, đặc trưng của bệnh trầm cảm. Tương tự, các biến chứng liên quan đến trầm cảm có thể khiến người bệnh cảm thấy lo lắng. Cả hai tình trạng này có thể điều trị thông qua liệu pháp hoặc dùng thuốc.
Rối loạn giấc ngủ
Căng thẳng, lo lắng có liên quan đến một loạt các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém khó duy trì giấc ngủ hoặc ngủ không yên giấc, buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Thiếu ngủ lại khiến các triệu chứng bệnh tồi tệ hơn. Nhiều người mắc chứng lo âu ngủ quá nhiều hơn và xem đây như cách để thoát khỏi mệt mỏi, sợ hãi do bệnh gây ra.
Giảm năng suất công việc
Lo lắng mạn tính có thể ảnh hưởng đến chức năng điều hành của não. Người bệnh thường xuyên căng thẳng nên khó tập trung xử lý công việc, điều chỉnh cảm xúc. Điều này có thể dẫn đến trì hoãn, bỏ lỡ thời hạn và giảm năng suất. Kỹ năng làm việc nhà và sắp xếp cuộc sống hàng ngày cũng chịu tác động tiêu cực.
Cô lập xã hội
Rối loạn lo âu có thể dẫn đến tình trạng cô lập xã hội. Nỗi sợ bị phán xét hoặc xấu hổ khiến người bệnh tránh giao tiếp xã hội, dẫn đến cô đơn, giảm tương tác. Trong khi cô lập xã hội có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, tạo nên một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.
Đau mạn tính
Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Mỹ, chứng đau mạn tính có liên quan chặt chẽ đến lo âu. Người gặp tình trạng tâm lý này thường xuyên bị đau nửa đầu, đau lưng, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa. Bởi lo lắng kích thích não tiết ra các hormone gây căng thẳng, viêm và đau.
Tự tử
Rối loạn tâm lý, căng thẳng mệt mỏi làm tăng nguy cơ phát sinh ý nghĩ và hành vi tự tử. Người mắc chứng bệnh này cảm thấy choáng ngợp, sốc trước các triệu chứng của mình, dẫn đến tuyệt vọng, suy sụp, hình thành ý định tự tử.
Nếu có dấu hiệu rối loạn tâm lý, lo lắng, cẳng thẳng kéo dài, người bệnh nên đi khám để được hỗ trợ điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống. Rối loạn lo âu có thể khỏi, điều trị sớm giúp giảm đáng kể nguy cơ biến chứng.
Anh Chi (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp