6 món dân dã mùa mưa xứ Huế

29/12/2024
|
0 lượt xem
Mẹo Tư Vấn Trang Chủ
6 món dân dã mùa mưa xứ Huế

Bún lòng xào nghệ

Bún lòng xào nghệ là món ăn dân dã được lòng người dân xứ Huế và Quảng Nam bởi giá thành rẻ (nguyên liệu chính là lòng già ngày trước ''rẻ như cho'') chế biến được món ăn thơm ngon và là bài thuốc trị cảm cúm hiệu quả.

Bát bún lòng xào nghệ thu hút bởi sắc vàng ươm, nóng hổi, khi ăn lòng giòn dai có chút béo ngậy quyện với bún mềm thấm vị ngọt ngon từ lòng, vị the cay kích thích vị giác. Món này hợp nhất vào những ngày mưa quây quần cùng người thân hay tề tựu bạn bè. Phần lòng là món nhậu bắt mồi với cánh mày râu, phần bún xào lòng ngon miệng với chị em phụ nữ và cả trẻ nhỏ giúp chữa ho và tăng cường sức đề kháng.

Cá bống kho thệ

Từng con cá bống săn cứng, màu hổ phách, vị đậm đà và cong như chữ C mà người Huế gọi là ''cá ngó đuôi''. Món này ăn cùng cơm trắng hay cháo gạo đỏ là nét đặc trưng của cố đô. Cá kho khô kiểu này bảo quản trong hộp kín dùng dần được cả tháng.

Chú ý cá kho khô kiểu Huế không chêm nước sôi như miền Bắc hay chêm nước dừa như miền Nam mà chỉ dùng nước mắm cùng đường, gia vị ướp cá tiết ra vì thế cá thường săn keo, vị đậm đà, để được lâu.

Món này người dân cố đô thường ăn cùng cháo gạo đỏ. Đây là loại gạo đặc biệt mà người địa phương thường gọi là gạo hẻo rằn hay gạo chiêm - được xay xát vừa độ còn lớp cám mỏng quanh hạt. Cá kho khô chú ý canh lửa, ban đầu để sôi to cho lớp nước phủ kín cá. Sau đó, hạ lửa nhỏ, mở vung kho liu riu. Cá kho 2 lần lửa sẽ cong cong, săn chắc, vị cay mặn ngọt đậm đà.

Thịt luộc mắm tôm chua

Thịt luộc chấm tôm chua kiểu Huế đúng điệu phải đủ những cay, những thơm, những chát, những nồng, những ngọt khi kết hợp phong phú nhiều cây nhà lá vườn với quả vả, chuối xanh, dứa, rau thơm. Tất cả hòa quyện kích thích vị giác để tạo nên vị ngon ấn tượng.

Chú ý, luộc thịt nên vừa chín tới sẽ ngậm nước ngọt mềm, không nên luộc lâu quá sẽ bị khô xác. Tôm chua hiện nay có nhiều phiên bản ở các tỉnh thành, nhưng mua chuẩn gốc Huế là ngon nhất. Tùy theo khẩu vị mà khi pha thêm lượng đường, chanh, tỏi, ớt cho phù hợp.

Trứng vịt lộn om bầu

Trứng vịt lộn ở mỗi vùng miền có cách thưởng thức khác nhau người Hà Nội ăn trứng vịt lộn cùng chút rau răm, gừng vào buổi sáng, người Sài Gòn có món vịt lộn sốt me, nướng muối ớt ăn vào buổi chiều, người Quảng Ngãi thêm hành tây và con don còn ở Huế lại có món vịt lộn om bầu rất lạ và đưa miệng.

Bầu nên chọn quả vừa mới có hạt non (không non quá hay già quá) khi nấu sẽ vừa độ giòn ngọt. Trứng vịt lộn chọn quả non nhiều dưỡng chất và bùi béo vừa độ. Trứng vịt lộn mang tính hàn, vì thế cần thêm các gia vị ấm nóng như gừng, rau răm, hạt tiêu để cân bằng âm dương. Trứng vịt lộn um bầu kiểu Huế không thể thiếu mắm ruốc và ớt bột vừa khử tanh hiệu quả, vừa tăng vị ngọt hậu và hương vị rất riêng, ăn một lần nhớ mãi.

Cơm âm phủ

Bên cạnh bún bò, cơm hến, bánh bột lọc thì cơm âm phủ là đặc sản lâu đời của xứ Huế. Tương truyền, món cơm này ngày xưa chuyên bán vào đêm khuya (giờ âm) trong không gian quán là mái nhà tranh thắp đèn dầu mờ ảo để phục vụ những người lao động bình dân làm việc khuya. Vì thế, món ăn này từng có tên "Cơm ma", dần dà thay bằng tên "Cơm âm phủ".

Dù dân dã với các nguyên liệu quen thuộc nhưng ''Cơm âm phủ'' lại mê hoặc nhiều thực khách bởi cách nấu tỉ mỉ và trình bày tinh tế phảng phát phong vị cung đình Huế. Ngày nay, nhiều hàng quán ở Huế có thay đổi thành phần món ăn theo khẩu vị thực khách nhưng phải đảm bảo 7 sắc màu tượng trưng cho 7 bước chân đầu tiên của Đức Phật.

Một đĩa cơm trắng mềm dẻo, thịt lợn nướng bên ngoài xém thơm bên trong mềm ngọt, thịt luộc béo ngậy, nem chua chín tới, trứng tráng bùi bùi, rau thơm tươi mát... rưới nước mắm chua ngọt trộn đều hài hòa vị chua cay mặn ngọt, kích thích vị giác vào những ngày mưa thì không còn gì bằng.

Tré Huế

Thịt tré lên men ngả màu hồng nhạt, khi ăn cảm nhận rõ vị giòn sần sật, bùi béo, chua nhẹ lên men từ thịt, chút the cay từ ớt, thơm mùi riềng rất vừa miệng. Tré có thể thưởng thức như nem chua, khi ăn thêm ít tép tỏi dậy vị hoặc cuốn cùng bánh tráng, rau sống chấm nước mắm chua ngọt rất ngon. Món ăn nhâm nhi khi tề tựu bạn bè hay người thân vào ngày mưa gió khá hợp vị.

Tré là món ăn đặc sản của Huế và một số tỉnh miền Trung. Tré được làm từ thịt đầu heo, tai heo, mũi heo, thịt ba rọi (ba chỉ) cùng với thịt bò theo tỉ lệ nhất định. Sau khi đã thực hiện qua các bước sơ chế, chúng được gói một lớp lá ổi, một lớp lá chuối bên ngoài. Để tré lên men người dân sẽ dùng một lớp rơm vàng, sau đó đặt chúng ở vị trí khô ráo khoảng 3 đến 4 ngày là có thể dùng.

Bùi Thủy

Tin liên quan
Tin Nổi bật