Bao lâu nên đo thính lực một lần?

29/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Về Tai Các Bệnh Sức Khỏe Tai Mũi Họng
Bao lâu nên đo thính lực một lần?

Trả lời:

Đo thính lực là cách kiểm tra tình trạng tiếp nhận âm thanh, đo lường mức độ nhạy cảm về khả năng nghe, đánh giá thính lực có bị tổn thương hay không.

Kết quả đo thính lực giúp xác định tình trạng gồm nghe kém dẫn truyền, nghe kém tiếp nhận, nghe kém hỗn hợp. Phương pháp này dùng để tầm soát, phát hiện sớm tình trạng mất hoặc suy giảm thính lực, kiểm tra các chức năng của tai. Từ kết quả thính lực đồ cùng tình trạng bệnh, bác sĩ có phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp để cải thiện khả năng nghe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Người từ 18 tuổi trở lên, không có dấu hiệu suy giảm thính lực và không có yếu tố nguy cơ (tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh về thính lực) được khuyến nghị kiểm tra thính lực 3-5 năm một lần cho đến 40 tuổi. Với người 40-59 tuổi, tần suất đo thính lực nên thường xuyên hơn, 1-3 năm một lần. Sau 60 tuổi, tình trạng giảm thính lực phổ biến hơn, nên kiểm tra mỗi năm một lần.

Người bệnh bị ù tai, khó khăn khi giao tiếp do nghe không rõ, chấn thương, viêm tai, dùng các thuốc ảnh hưởng đến tai... nên đo thính lực ngay, không đợi đến đợt kiểm tra định kỳ. Người làm việc trong môi trường ồn ào như nhà máy, công trường xây dựng, sân bay... kiểm tra mỗi năm một lần để phát hiện và ngăn ngừa sớm suy giảm thính lực.

Bác sĩ Ngọc Hưng xem đo thính lực cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nếu thường xuyên đeo tai nghe, nhất là nghe với mức âm lượng lớn hoặc trong thời gian dài, bạn nên làm kiểm tra thính thực ít nhất mỗi năm một lần để theo dõi và phát hiện sớm bất thường nếu có. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế thời gian đeo tai nghe dưới 60 phút liên tục, giảm âm lượng dưới 60% để bảo vệ tai khỏi những tổn thương lâu dài. Bạn bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần cần tập trung điều trị dứt điểm tình trạng viêm. Sau điều trị, bạn nên đo thính lực ngay và duy trì theo dõi mỗi năm một lần.

Đo thính lực được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Các nghiệm pháp đo thính lực chủ quan như đo thính lực đồ đơn âm, đo nhĩ lượng đồ, đo phản xạ cơ bàn đạp, đo âm ốc tai (OAE), đo điện thính giác thân não (ABR). Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, người bệnh được kiểm tra bằng hệ thống máy Resonance (Italy). Quá trình đo thính lực thường diễn ra nhanh, không gây đau và không cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện.

BS.CKI Phan Ngọc HưngĐơn vị Tai Mũi Họng Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật