Bất thường khi ngủ cảnh báo bệnh phổi

30/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Hô Hấp Thường Gặp Các Bệnh Hô Hấp Sức Khỏe
Bất thường khi ngủ cảnh báo bệnh phổi

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, hóa chất, khói bếp nấu ăn, làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm... khiến phổi dễ tổn thương. Lúc này khả năng thông khí, đàn hồi của các phế nang phổi suy giảm, cản trở quá trình trao đổi khí oxy và carbon dioxide, cơ thể mất dần năng lượng.

Theo bác sĩ Đô, khi phổi bị tổn thương, cơ thể có nhiều triệu chứng bất thường, ngay cả khi ngủ.

Ho nhiều về đêm hoặc sáng sớm có thể là dấu hiệu viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Ho kéo dài trên 8 tuần, thường dữ dội trước khi ngủ hoặc khi gần sáng, xuất hiện nhiều lần trong đêm, lẫn đờm hoặc có thể kèm máu.

Về đêm, cơ thể tiết ít hormone epinephrine có chức năng làm giãn đường thở. Bệnh phổi, viêm đường hô hấp, dây thần kinh phế vị kích thích niêm mạc đường hô hấp, làm tăng tiết nhiều chất nhầy, tích tụ trong cổ họng. Thời tiết ban đêm lạnh, hệ hô hấp hoạt động mạnh để đào thải đờm nhầy, các tác nhân gây bệnh cũng kích thích phản xạ ho liên tục.

Khó thở là triệu chứng liên quan đến vấn đề sức khỏe phổi nghiêm trọng như thuyên tắc phổi, nhiễm trùng, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư... Người bệnh thở nông, cảm giác hụt hơi đến thở dốc, ngắt quãng trong lúc ngủ, nhất là khi nằm ngửa. Điều này xảy ra do phổi không hoạt động bình thường, khả năng trao đổi khí yếu đi, gây thiếu oxy trong khi ngủ.

Theo bác sĩ Đô, khó thở và thở gấp là hai trong số những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi. Nguyên nhân là khi khối u phát triển, gây tắc nghẽn đường thở. Nó có thể dẫn đến tình trạng viêm, làm tăng cảm giác khó thở. Bệnh này cũng gây tràn dịch màng phổi (chất lỏng tích tụ trong khoảng không giữa phổi và thành ngực) dẫn đến khó thở.

Thở khò khè, thở rít có thể gặp trong trường hợp suy giảm chức năng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, khí phế thũng, viêm phế quản, viêm phổi... Đôi khi do tác động của trọng lực, lực ép cơ thể ở tư thế nằm, các cơ vùng hầu họng giãn ra, đường thở xẹp xuống, hẹp hơn bình thường dẫn đến thở khò khè, ngáy ngủ. Tình trạng này hay gặp ở người thừa cân béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, người cao tuổi. Những người thuộc nhóm này cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý về phổi.

Đau tức ngực xảy ra do các nguyên nhân tim mạch, phổi, cơ xương khớp hay thần kinh. Tuy nhiên, nếu diễn ra thường xuyên khi nằm và chỉ giảm đi khi ngồi dậy hoặc thay đổi tư thế có thể liên quan đến vấn đề về phổi như viêm màng phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi hoặc tràn khí màng phổi. Những cơn đau thường đi kèm với khó thở, ho hoặc sốt.

Đổ mồ hôi ban đêm xuất hiện khi phổi có các tổn thương ác tính như ung thư. Những thay đổi đáng kể về mức độ hormone khi cơ thể đang cố gắng chống lại ung thư dễ dẫn đến đổ mồ hôi quá nhiều.

Đôi khi đây cũng là biểu hiện của bệnh lao phổi. Các độc tố của vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis và chất chuyển hóa của nó gây rối loạn chức năng thần kinh tự chủ. Vùng dưới đồi thiết lập nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường trong một thời gian. Sau đó, nhiệt độ lại trở về bình thường, nhiệt lượng dư thừa sẽ mất đi thông qua đổ mồ hôi. Vì vậy, người bệnh thường đổ mồ hôi bất thường sau khi ngủ và ngừng đổ mồ hôi sau thức dậy. Lao phổi còn gây ra triệu chứng kèm theo như ho kéo dài, sốt, khó thở, gầy sút cân.

Sốt về chiều hoặc khi ngủ về đêm kèm hiện tượng gai lạnh thường là biểu hiện của bệnh lao phổi. Theo bác sĩ Đô, về chiều và tối, nhiệt độ cơ thể thường có xu hướng tăng nhẹ do nhịp sinh học tự nhiên. Vi khuẩn lao hoạt động mạnh hơn vào những thời điểm này, gây phản ứng viêm nhiễm, tạo ra các chất trung gian như cytokine, kích thích cơ thể phản ứng bằng cách tăng nhiệt độ, dẫn đến sốt.

Hiện tượng này cũng liên quan đến chu kỳ sinh lý của cơ thể khi mức hormone cortisol ức chế phản ứng viêm giảm dần vào chiều tối. Khi mức cortisol thấp hơn, phản ứng viêm sẽ trở nên mạnh mẽ, làm cho các triệu chứng như sốt, mệt mỏi rõ rệt hơn vào cuối ngày. Khi nhiễm khuẩn lao, người bệnh sốt nhẹ về chiều, khoảng 37,3- 38 độ C, kèm theo ho đờm dai dẳng trên 2 tuần, nghiêm trọng hơn là ho ra máu.

Giấc ngủ không yên giấc, cảm giác hốt hoảng khi tỉnh giấc, mơ thấy ác mộng về việc không thể thở hoặc bị đè nén có thể xảy ra nếu người bệnh thường xuyên khó thở trong khi ngủ. Những cơn ác mộng này phản ánh tình trạng thiếu oxy trong cơ thể, khiến hệ thần kinh phải cảnh báo qua những giấc mơ.

Cảm giác khó thở khiến người bệnh phải thay đổi tư thế ngủ nhiều lần trong đêm, làm gián đoạn giấc ngủ. Trong khoảng thời gian 3-5h, phổi tăng cường hoạt động, người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, viêm phổi, viêm phế quản thường xuyên bị đánh thức ở thời điểm này. Người bệnh dễ mệt mỏi, kiệt sức, thường xuyên buồn ngủ, mất tập trung vào ban ngày, da dẻ xanh xao nhợt nhạt, sụt cân nhanh chóng.

Bác sĩ Đô thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để chẩn đoán xác định bệnh lý ở phổi, bác sĩ Đô cho biết cần khám lâm sàng, làm các xét nghiệm máu, mẫu đờm... kết hợp chụp X-quang, cắt lớp vi tính (CT). Các phương pháp giúp kiểm tra cấu trúc của phổi, phát hiện những bất thường như u bướu, viêm nhiễm, hoặc tổn thương mô phổi.

Xét nghiệm chức năng phổi như đo chức năng hô hấp đánh giá khả năng hô hấp của phổi bằng cách đo lượng không khí thở ra và tốc độ thở. Sinh thiết mô phổi có thể được chỉ định để chẩn đoán xác định ung thư. Một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu nội soi phế quản để quan sát trực tiếp bên trong đường hô hấp và điều trị phù hợp.

Để bảo vệ sức khỏe phổi, bác sĩ Đô khuyến cáo tránh xa khói thuốc lá, không ở trong các môi trường ô nhiễm khói bụi, hóa chất. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin và khoáng chất. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường chức năng phổi, cải thiện khả năng hô hấp. Tiêm vaccine phòng bệnh cúm, phế cầu đầy đủ, đúng lịch, khám sức khỏe định kỳ cũng phòng tránh mắc bệnh lý nghiêm trọng.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp

Tin liên quan
Tin Nổi bật