Viêm xoang thường do vi khuẩn, virus, nấm hoặc phản ứng dị ứng gây ra. Bệnh có thể cấp tính, khởi phát đột ngột kéo dài 1-2 tuần hoặc viêm xoang mạn tính trên 12 tuần. Triệu chứng gồm sưng niêm mạc mũi, tắc nghẽn ở các lỗ thông xoang, nghẹt và chảy mũi, đau nhức vùng mặt, quanh hốc mắt.
ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cấu trúc xoang nằm gần với tai, mũi, mắt, sọ não. Do đó, khi các xoang bị viêm không được kiểm soát tốt, nhiễm trùng dễ lây lan sang các vùng lân cận, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng ở mắt
Tình trạng viêm nhiễm từ xoang lan đến hốc mắt và các cấu trúc của mắt gây một số biến chứng như sau:
Áp xe mi mắt, triệu chứng mí mắt sưng, tấy đỏ, nóng kèm đau nhức, chứa đầy dịch mủ. Dịch mủ vỡ sau 4-5 ngày, sau khi vết thương lành có thể để lại một vết sẹo lớn.
Viêm túi lệ do nhiễm trùng xoang lan lên ống lệ, có thể gây áp xe. Triệu chứng thường gặp như đau, đỏ mắt và phù nề quanh túi lệ.
Viêm tổ chức hốc mắt khiến người bệnh sốt, mệt mỏi, thị lực giảm, nhức ở mi mắt, phù mi. Tình trạng này còn có thể gây ra các bệnh lý thần kinh và các biến chứng nội sọ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, hình thành máu đông trong các mạch máu sau mắt, làm suy giảm thị lực, mù.
Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu thường có các triệu chứng như đau nhức mắt kéo dài, giảm thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn, khả năng nhận biết màu sắc cũng kém.
Biến chứng nội sọ
Nhiễm trùng xoang do vi khuẩn hoặc nấm có thể lan đến xương sọ (viêm tủy xương) hoặc vào não, gây viêm màng não hoặc áp xe trong não, não úng thủy. "Đây là biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm", bác sĩ Tường nói, khuyến cáo thêm người bệnh không nên chủ quan, nhất là khi xuất hiện các dấu hiệu đau đầu dữ dội hoặc cứng cổ. Biến chứng này có thể dẫn đến di chứng suốt đời như liệt nửa người, suy giảm nhận thức, liệt dây thần kinh sọ, tăng áp lực nội sọ, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ Tường nội soi mũi cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Biến chứng ở tai
Khi nhiễm trùng mũi xoang không được kiểm soát tốt, các dịch mủ và tác nhân gây bệnh có thể lan sang tai, dẫn đến viêm tai giữa. Biến chứng này dễ xảy ra ở trẻ do cấu tạo vòi tai nằm ngang và ngắn hơn. Viêm tai giữa nghiêm trọng có thể khiến màng nhĩ thủng, nghe kém vĩnh viễn.
Biến chứng ở mạch máu
Xoang tĩnh mạch hang thuộc nền sọ, có chức năng dẫn lưu máu từ các tĩnh mạch mặt. Huyết khối xoang tĩnh mạch hang là biến chứng ít gặp của viêm xoang bướm hoặc xoang sàng. Bệnh không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng liệt vận nhãn, mù, yếu liệt do đột quỵ, suy tuyến yên.
Biến chứng ở thần kinh
Chèn ép dây thần kinh do các tổn thương trong xoang hang có thể dẫn đến liệt dây thần kinh vận nhãn, dây thần kinh thị giác. Triệu chứng điển hình như phù nề kết mạc, đau đầu nghiêm trọng, giảm thị lực.
Biến chứng ở xương
Viêm tủy xương là biến chứng tiềm ẩn tại chỗ thường xảy ra nhất với viêm xoang trán, biểu hiện bằng khối u sưng hoặc áp xe dưới xương kèm phù nề cục bộ ở vùng trán.
Biến chứng ở mũi
U nhầy xoang có thể hình thành nếu viêm xoang mạn tính không được điều trị. U nhầy xoang phát triển, tạo áp lực lên thành xoang và các cấu trúc lân cận, ảnh hưởng quá trình thoát dịch của xoang, khiến nhiễm trùng xoang tăng nặng.
Biến chứng toàn thân
Viêm xoang nhiễm khuẩn trong trường hợp nặng gây nhiễm trùng huyết, suy đa hệ cơ quan do máu và các hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể. Các báo cáo về nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi đã được ghi nhận ở một số bệnh nhân viêm xoang.
Bác sĩ Tường cho biết biến chứng xảy ra ở cơ quan nào cũng nguy hiểm, khuyến cáo người bệnh viêm xoang nên điều trị triệt để, không trì hoãn.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp