Cơn thoáng thiếu máu não âm thầm gây đột quỵ

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Đột Quỵ Ngoại Thần Kinh Sức Khỏe
Cơn thoáng thiếu máu não âm thầm gây đột quỵ

Ngày 9/10, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng triệu chứng có thể tự hết sau cơn thiếu máu não thoáng qua, người bệnh nhanh chóng hồi phục nhưng các mảng xơ vữa và cục máu đông không mất đi, tiềm ẩn nguy cơ cao gây đột quỵ.

Thiếu máu não thoáng qua xảy ra khi quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn tạm thời mà không gây tổn thương não lâu dài. Nguyên nhân chính thường do các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông nhỏ làm hẹp, tắc động mạch não trong thời gian ngắn.

Tế bào não rất nhạy cảm với việc thiếu máu và oxy. "Chỉ cần 10 giây thiếu máu, các mô não bắt đầu bị rối loạn và vài phút sau tế bào sẽ dần chết hàng loạt", bác sĩ Minh Đức giải thích. Cứ ba người trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua thì nguy cơ có một người đột quỵ về sau, một nửa trong số đó xảy ra trong năm đầu. Nguy cơ đột quỵ xảy ra cao nhất trong vòng 90 ngày sau khi xuất hiện cơn thiếu máu thoáng qua (khoảng 20%), theo bác sĩ Đức.

Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua rất giống với đột quỵ nhưng thường xuất hiện ngắn và biến mất nhanh chóng. Người bệnh có thể đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng, nhìn đôi, khó nói hoặc yếu liệt một bên cơ thể. Mức độ tổn thương thần kinh phụ thuộc vào mức độ và thời gian thiếu máu cũng như vùng não bị ảnh hưởng.

Như bà Ngát, 57 tuổi, đột quỵ sau một tuần trải qua cơn thiếu máu não thoáng qua. Khi ấy, bà nhìn mờ, chóng mặt, mất thăng bằng, nghỉ ngơi bớt triệu chứng nên không đi khám. Sau đó, tình trạng nặng hơn, bà nhập viện, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ thiếu máu não.

Tương tự, ông Khải, 62 tuổi, đau đầu, tê yếu nhẹ tay chân rồi cảm thấy khỏe lại ngay. Chiều cùng ngày, ông bất tỉnh, miệng méo, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ chụp CT 1975 lát cắt xác định đột quỵ thiếu máu não do huyết khối làm tắc nghẽn động mạch não.

Cả hai người bệnh đều được cấp cứu kịp thời, hồi phục tốt.

Bác sĩ khám cho người bệnh đột quỵ. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Đức cho biết người bệnh đột quỵ thiếu máu não thường được cấp cứu bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Bệnh nhân bị tắc mạch máu não lớn bởi cục máu đông, sau khi được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch sẽ tiếp tục được can thiệp nội mạch bằng hệ thống máy chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) hiện đại để lấy cục máu đông ra ngoài.

Thời gian "vàng" để cấp cứu đột quỵ thiếu máu não là 3-4,5 giờ đầu, có thể mở rộng lên 6 giờ đầu hoặc lâu hơn tùy bệnh cảnh. Tuy nhiên, người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.

Chụp MRI 3 Tesla giúp phát hiện nhanh và sớm tình trạng hẹp, tắc động mạch não gây cơn thiếu máu não thoáng qua. Ảnh: Phòng khám Tâm Anh quận 7

Bác sĩ Minh Đức lưu ý cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo quan trọng về nguy cơ đột quỵ. Ngay khi triệu chứng xuất hiện hoặc đã biến mất và sức khỏe có vẻ bình thường, người bệnh vẫn cần đến cơ sở y tế có chuyên môn về tầm soát và cấp cứu đột quỵ để được khám, điều trị kịp thời.

Dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các chẩn đoán hình ảnh như CT 768 lát cắt, CT 1975 lát cắt, MRI 1.5 hay 3 Tesla hoặc MRI-DTI để đánh giá nguy cơ bất thường ở mạch máu não hoặc não, các yếu tố nguy cơ, giúp dự phòng nguy cơ đột quỵ hoặc ngăn ngừa tái phát đột quỵ, từ đó can thiệp điều trị kịp thời.

Trường Giang

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật