Đây là 7 trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp trên cả nước, dưới mức sinh thay thế. Trong đó, tỷ lệ tăng dân số ở An Giang là -0,7%, các tỉnh còn lại từ -0,1 đến -0,4%. Tăng trưởng âm là hệ quả mức sinh của Việt Nam thấp ở "mức đáng lo ngại", có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tức dưới 2,1 con/phụ nữ.
Dân số năm 2023 của nước ta ước tính đạt 100,3 triệu người, song tốc độ tăng dân số giảm dần và dự báo tiếp tục giảm. Giai đoạn 2039-2045, mức tăng bình quân hàng năm của cả nước là 0,4%. Con số đó của Tây Nguyên là cao nhất là (0,61%), tiếp sau là của Trung du và miền núi phía Bắc (0,6%). Tỷ suất tăng của Đồng bằng sông Cửu Long là thấp nhất (0,04%).
Cũng ở giai đoạn này, ước tính 6 tỉnh có mức tăng dân số âm gồm Bến Tre (-0,3%); Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng (đều ở mức -0,1%). Đây hầu hết là các tỉnh được giả thiết có tình trạng xuất cư mạnh và mức sinh thấp.
Ngược lại, có 7 tỉnh với tỷ lệ tăng bình quân năm từ 1% trở lên, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng dân số của cả nước cùng giai đoạn, gồm: Lai Châu (1,4%), Điện Biên (1,3%), Bình Dương (1,2%), Bắc Ninh và Kon Tum (1,1%), Lào Cai và Đăk Nông (1%). Điều này có thể là do mức sinh khá cao hoặc tình trạng nhập cư lớn của các tỉnh này.
Cuối thời kỳ dự báo, năm 2045, hai đô thị lớn nhất toàn quốc là TP Hà Nội và TP HCM đều có quy mô dân số trên 10 triệu người, tương ứng là 10,6 triệu người và 11,7 triệu người.
Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng cho biết mức sinh xuống thấp đang là một trong 4 thách thức của ngành dân số. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ giảm sâu, còn 1,56 con một phụ nữ, trong khi năm 1999 là 2,9. Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh khó khăn. Điều này khiến mức sinh của toàn quốc năm 2023 xuống còn 1,96 - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm, sau 35 năm nữa dân số cả nước tăng trưởng âm.
Nhiều tỉnh thành có mức sinh thấp này đã có nhiều phương án hỗ trợ nhằm khích lệ người dân sinh con. Song, thực tế tỉnh thưởng tiền, dân vẫn ngại sinh. Như Hậu Giang tặng giấy khen và hỗ trợ 1,5 triệu đồng tiền viện phí cho phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi. Nhóm này còn được hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập... Song, mức sinh của tỉnh này cũng không cải thiện, hiện ở mức 1,52 con/phụ nữ.
Hay Tiền Giang cũng thưởng 30 triệu đồng cho xã, phường có 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con sinh đủ hai con. Nếu đạt 5 năm liên tục, mức thưởng tương ứng là 50 triệu đồng. Dù vậy, sau hơn hai năm triển khai, mức sinh của địa phương vẫn thấp, thậm chí đang giảm. Số con trung bình của một phụ nữ Tiền Giang trong độ tuổi sinh đẻ là 1,66.
Người cao tuổi tập thể dục bên hồ Gươm. Ảnh: Ngọc Thành
Các chuyên gia đánh giá mức sinh thấp kéo dài để lại nhiều hệ lụy, làm suy giảm quy mô dân số, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng các dòng di cư để đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số... Điều này tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng quá trình phát triển bền vững đất nước.
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 thành nước phát triển nhưng phải giải quyết sớm vấn đề mức sinh sụt giảm mới trường tồn. Theo ông, những nước giàu như Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đối mặt với tình trạng càng phát triển, thu nhập bình quân cao nhưng không tái tạo được con người.
"Giàu như Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng không tự tái tạo được dân số, dựa vào người nhập cư. Như vậy, giàu không phải là tiền đề để đất nước trường tồn", giáo sư Nhân nói, nhấn mạnh từ nay đến 2045, Việt Nam cần đặt mục tiêu giải quyết sớm vấn đề mức sinh sụt giảm.
Để tránh mức sinh giảm sâu, ngành dân số đang thực hiện sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến sinh, bãi bỏ tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, khuyến khích phụ nữ kết hôn trước tuổi 30 và sinh đủ hai con trước tuổi 35. Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ đưa đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình. Chú trọng quy hoạch xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điện kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị. Hỗ trợ khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em...
Các nội dung này đã được đề xuất và đưa vào dự thảo Luật Dân số mà Bộ Y tế dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025.
Lê Nga