Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận mạn

30/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Thận Các Bệnh Sức Khỏe Tiết Niệu - Nam Học
Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận hoặc tổn thương thận kéo dài trên ba tháng. Bệnh tiến triển theo nhiều giai đoạn dựa trên mức độ giảm độ lọc cầu thận. Trong đó, suy thận mạn giai đoạn cuối là lúc cần lựa chọn các phương pháp điều trị thay thế thận như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

BS.CKII Hồ Tấn Thông, Đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết bệnh thận mạn tiến triển chậm, triệu chứng mơ hồ, khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng, bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn nặng hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu cần lưu ý.

Cơ thể mệt mỏi: Chức năng thận suy giảm không thể lọc sạch độc tố, chất dư thừa trong máu ra khỏi cơ thể. Các độc tố này tích tụ theo thời gian khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, uể oải, khó tập trung, nhức đầu, khó ngủ vào ban đêm. Tình trạng thiếu máu do chức năng thận suy giảm cũng khiến cơ thể dễ mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống.

Tiểu bọt lâu tan: Thận khỏe mạnh có khả năng lọc máu loại bỏ chất độc, chất dư thừa và giữ lại các chất dinh dưỡng, nhất là đạm. Tuy nhiên, khi thận bị tổn thương, khả năng lọc máu giảm khiến đạm thất thoát nhiều vào nước tiểu gây nên hiện tượng đi tiểu có nhiều bọt như bọt bia và lâu tan.

Bác sĩ Thông hỏi thăm một người bệnh chạy thận nhân tạo. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7

Phù nề: Do chức năng thận suy giảm, thận không thể lọc hết chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, dẫn đến tích nước, khiến cơ thể nặng nề. Tình trạng phù này có thể rất khó nhận ra như phù nhẹ mi mắt lúc thức dậy hoặc có thể phù, ấn lõm ở hai mắt cá chân, bàn chân và mặt trước xương chày vùng cẳng chân.

Khô và ngứa da: Độc tố tích tụ nhiều trong máu do chức năng lọc máu của thận không còn hiệu quả khiến da khô, ngứa, sạm màu.

Khó thở: Suy giảm chức năng thận liên quan đến tình trạng khó thở theo hai khả năng. Thận giảm chức năng dẫn đến chất lỏng có thể tích tụ trong phổi gây khó thở. Ngoài ra, thận giảm chức năng dẫn đến thiếu hồng cầu trong máu, khiến cơ thể không được cung cấp đủ oxy cần thiết, gây khó thở.

Chán ăn: Thận không còn khả năng lọc hết độc tố urê (sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa đạm), gây tích tụ trong máu dẫn đến các triệu chứng urê huyết (nồng độ urê trong máu cao), chán ăn, buồn nôn, sụt cân nhanh...

Hôi miệng: Chất độc urê tích tụ trong máu khiến hơi thở của người bệnh có mùi hôi khó chịu.

Đi tiểu thường xuyên, tiểu ít: Người bệnh thận mạn có tần suất đi tiểu tăng nhiều, nhất là vào ban đêm, nhưng lượng nước tiểu ít. Tuy nhiên, đây không phải dấu hiệu đặc trưng của bệnh thận mạn vì cũng có thể liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt, hẹp đường tiểu, rối loạn chức năng bàng quang...

Theo bác sĩ Thông, hiện chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận mạn. Tuy nhiên, phát hiện sớm và điều trị bệnh thận là cần thiết nhằm làm chậm tốc độ bệnh thận mạn diễn tiến sang suy thận mạn giai đoạn cuối, cần chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Bác sĩ khuyến cáo người có những dấu hiệu nêu trên cần sớm đến khám bệnh, làm các xét nghiệm kiểm tra thận và các bệnh liên quan giúp kịp thời phát hiện, đánh giá mức độ các tổn thương thận. Đồng thời, việc lựa chọn các loại thuốc điều trị các bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, gout, rối loạn chuyển hóa lipid máu, cũng cần được cân nhắc khi người bệnh bắt đầu bị suy thận. Các thuốc khác điều trị triệu chứng, nhất là thuốc giảm đau, cũng nên được bác sĩ xem xét, chỉnh liều theo chức năng thận để tránh làm thận tổn thương thêm.

Nên khám sức khỏe, kiểm tra chức năng thận định kỳ 6-12 tháng một lần hoặc gần hơn nữa ở những người có nguy cơ cao để sớm phát hiện bệnh thận.

Thắng Vũ

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật