Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tập trung vào hai dự án luật quan trọng do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Đối với Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, luật hóa các cơ chế, chính sách đặc biệt tại Nghị quyết 189/2025 của Quốc hội về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần tham khảo, kế thừa các thành tựu của nhân loại và Việt Nam hóa các quy định quốc tế phù hợp với điều kiện trong nước.
Đối với Dự án Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng yêu cầu rà soát, luật hóa các nội dung của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, các chính sách tại Nghị quyết 193/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và các nghị quyết khác liên quan.
Thủ tướng nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo không có giới hạn, do đó cần mở ra không gian sáng tạo, khuyến khích đổi mới, chấp nhận rủi ro và độ trễ. Cần áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong cả khu vực công và tư, chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các viện, trường và các chủ thể nghiên cứu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 19/3. Ảnh: Nhật Bắc
Về đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Các cơ quan cần hoàn thiện khung pháp lý an toàn, minh bạch, quản lý được nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung vào kiểm soát đầu ra, tăng cường hậu kiểm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rút lui khỏi thị trường. Luật cần có chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tiên phong trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đối với dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả do Bộ Công Thương xây dựng, Thủ tướng đề nghị rà soát để mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh, bao gồm cả 5 khâu: nguồn điện, tải điện, sử dụng, phân phối và giá điện; đồng thời bao gồm cả các chủ thể sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm khi xây dựng các văn bản pháp luật và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa. Ông cho rằng đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển. Thể chế "là đột phá của đột phá, nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nên đầu tư cho thể chế là đầu tư hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay".
Thủ tướng cũng yêu cầu đổi mới tư duy, cách tiếp cận để hoàn thiện pháp luật phù hợp với tình hình thực tế diễn biến rất nhanh, đảm bảo có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt nhưng bền vững, ổn định tương đối. Tư duy là "nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn", để người dân, doanh nghiệp yên tâm làm, giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực Nhà nước, nhân dân và xã hội cho phát triển.
Các bộ trưởng phải dành công sức, trí tuệ cho công tác này, ưu tiên nguồn lực, cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng AI. Cán bộ xây dựng thể chế sẽ được hưởng chính sách phù hợp.
Bộ Tư pháp có nhiệm vụ rà soát, khuyến khích địa phương tổng hợp các vướng mắc trong quy định hiện hành để tập trung sửa đổi. Quá trình xây dựng văn bản pháp luật phải làm rõ nội dung lược bỏ, kế thừa, sửa đổi, mới bổ sung. Mục tiêu là cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính.
"Dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm", Thủ tướng nói và lưu ý luật nên quy định theo hướng khung, nguyên tắc, còn vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ thì mới quy định chi tiết. Các quy định phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, giảm tập trung công việc lên cấp trên, Trung ương.
Vũ Tuân