Đường vòng du học - định cư

31/12/2024
|
0 lượt xem
Giáo Dục Góc Nhìn
Đường vòng du học - định cư

"Thời buổi này có tiền cũng khó du học", chị nói với tôi, không giấu mong muốn là con chị khi tốt nghiệp, có công việc tốt, được định cư lâu dài.

Cũng như tính toán của chị, 80% du học sinh Việt Nam diện tự túc tìm cách ở lại nước ngoài vì thu nhập cao, đãi ngộ tốt - theo thống kê mới đây của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Có thể nói, ngoài vấn đề trau dồi kiến thức, định cư là một động cơ lớn của du học sinh. Trong số các nước nói tiếng Anh, Mỹ, Anh, Australia và Canada là bốn điểm đến yêu thích nhất của học sinh Việt Nam.

Nhưng tôi cho rằng, mục tiêu tìm đường ở lại sẽ ngày một thách thức hơn.

Kể từ năm 2024, lĩnh vực giáo dục quốc tế đã có những chuyển biến lớn, khi nhiều nước đứng đầu về xuất khẩu giáo dục, bao gồm bốn nước nêu trên, bắt đầu triển khai những thay đổi đáng kể về chính sách, ảnh hưởng lớn đến cơ hội du học cũng như định cư.

Thay đổi đáng kể nhất có lẽ là ở Canada. Chính phủ nước này năm 2024 chỉ cấp 360.000 giấy phép du học, giảm 35% so với năm 2023. Cho đến năm 2026, mỗi năm số giấy phép du học sẽ giảm thêm 10% so với 2024. Yêu cầu chứng minh tài chính kể từ năm 2024 cũng tăng gấp đôi: du học sinh phải có tối thiểu 20.635 CAD, tương ứng 75% ngưỡng thu nhập thấp của Canada. Giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp cũng bị hạn chế: chỉ sinh viên tốt nghiệp đại học mới được cấp giấy phép ba năm. Vợ/chồng của sinh viên thạc sĩ trong những chương trình đào tạo dưới 16 tháng sẽ không được làm việc.

Australia cũng đang triển khai những thay đổi lớn cho phù hợp với Chiến lược di trú ban hành năm 2023. Từ năm 2025, Australia dự định giới hạn số lượng du học sinh đăng ký mới ở mức 270.000 mỗi năm, ưu tiên các trường đại học công lập và trường nghề. Mức chứng minh tài chính từ tháng 5/2024 cũng tăng từ 24.505 lên 29.710 AUD cho người đứng tên chính trong hồ sơ du học, tương đương 75% mức lương tối thiểu của Australia. Bên cạnh đó, nhiều thay đổi cũng được áp dụng liên quan đến trình độ tiếng Anh, độ tuổi, nơi nộp visa, giấy phép làm việc sau tốt nghiệp. Một thống kê cho thấy từ tháng 10/2023 đến tháng 8/2024, số lượng visa Australia cấp cho du học sinh Việt Nam giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

Anh cũng không đứng ngoài xu thế chung. Kể từ năm 2024, chỉ nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ và Thạc sĩ mới có thể đem theo người phụ thuộc. Mức lương tối thiểu để được cấp visa làm việc dài hạn tăng đến 50%, từ 26.200 lên 38.700 bảng Anh. Chính phủ Anh tăng mức chứng minh tài chính cho những người muốn xin visa cho vợ/chồng, từ 18.600 lên 29.000 bảng Anh.

Những thay đổi này là nhằm giải quyết một số vấn đề dài hạn, có tác động tiêu cực đến cộng đồng và người dân. Một báo cáo cho thấy kể từ năm 2010, trong khi khả năng tiếp nhận sinh viên quốc tế của các trường đại học tăng không đáng kể, số lượng sinh viên nhập học tăng gấp 4 lần, khiến chất lượng giáo dục đi xuống, gây quá tải lên hệ thống quản lý di trú và tạo điều kiện cho những hoạt động sai trái liên quan việc cấp đơn nhập học và xin visa. Chính phủ các nước này cũng cho rằng số lượng du học sinh quá lớn đang tạo áp lực không nhỏ lên quỹ nhà cửa, y tế và cơ sở hạ tầng, đòi hỏi phải có biện pháp hạn chế.

Canada đặt mục tiêu đến năm 2026 số cư dân tạm trú giảm từ 6,5% xuống còn 5% dân số. Australia cũng đặt mục tiêu giảm một nửa mức nhập cư ròng, từ 528.000 người năm 2023 xuống còn 260.000 năm 2025. Tác động của sinh viên quốc tế đến cuộc khủng hoảng nhà cửa ở Australia là một vấn đề gây tranh cãi lớn. 80% sinh viên quốc tế thuê nhà của tư nhân vì thiếu ký túc xá, khiến khủng hoảng nhà thuê càng thêm trầm trọng, dù một nghiên cứu cũng chỉ ra là sinh viên quốc tế chỉ chiếm 4% thị trường nhà thuê ở Australia.

Những thay đổi về chính sách visa cho sinh viên đi kèm với thay đổi về chính sách nhập cư. Ví dụ, ngoài việc áp dụng mức trần là 185.000 suất thường trú vào năm 2025, Australia sẽ thay đổi cách tính điểm cho hồ sơ xin visa thường trú, điều chỉnh độ tuổi, trình độ tiếng Anh, kinh nghiệp làm việc, trình độ học vấn, mức lương cũng như những ngành mà Australia cần.

Cần phải lưu ý một điểm là chính quyền Trump từ năm 2025 nhiều khả năng sẽ tăng cường các biện pháp hạn chế nhập cư. Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, tỉ lệ từ chối visa H-1B (visa cho người tay nghề cao) trung bình là 18% (so với 3,2% dưới thời Biden). Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt việc cấp các hạng mục visa cho sinh viên, hướng đến việc ưu tiên cấp thẻ thường trú cho những ngành khoa học kỹ thuật.

Nhìn rộng ra, các nước phát triển đều điều chỉnh chính sách nhập cư theo hướng cân bằng giữa việc giải quyết việc thiếu hụt lao động (đặc biệt là lao động tay nghề cao) với việc giải quyết những áp lực nội địa, như khủng hoảng nhà ở, chi phí sinh hoạt, quản lý dân số và tăng cường gắn kết xã hội.

Vậy đâu là lựa chọn cho du học sinh Việt Nam?

Nếu mục tiêu du học chỉ là trau dồi kiến thức, có những lựa chọn chất lượng mà chi phí thấp hơn nhóm bốn nước hàng đầu. Ở châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan là những điểm đến nhiều du học sinh Việt Nam lựa chọn. Hiện có 73.000 du học sinh Việt ở Hàn Quốc, 49.000 ở Nhật và 24.000 ở Đài Loan. Ở châu Âu, Đức là một điểm đến đáng lưu ý, sinh viên quốc tế có thể theo học miễn phí.

Du học tại chỗ cũng ngày càng phổ biến ở Việt Nam, khi nhiều trường đại học quốc tế mở các chương trình liên kết đào tạo. Khi tham gia những chương trình này, sinh viên cũng có cơ hội được học tập ở nước ngoài một thời gian.

Nếu định cư là mục tiêu sau cùng, thì rõ ràng con đường du học rồi nhập cư không còn là một đường thẳng. Du học sinh cần phải suy nghĩ dài hạn và áp dụng nhiều chiến thuật cùng lúc. Chẳng hạn, du học ở một nước dễ nhập học hơn, tích lũy chuyên môn và kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp rồi tìm việc làm ở một nước có cơ hội định cư cao hơn. Hoặc là, nếu đã xác định nước muốn định cư, thì cần chọn những ngành học, bậc học được ưu tiên, tích lũy kinh nghiệm làm việc và nâng cao khả năng ngôn ngữ. Một số nước có những chương trình ưu tiên định cư ở những khu vực xa trung tâm. Australia duy trì một danh sách những ngành đang thiếu hụt nhân lực, tùy theo từng bang và lãnh thổ. Nhưng danh sách này thay đổi liên tục nên du học sinh cũng cần phải theo dõi sát.

Tóm lại, tuy đóng góp của sinh viên quốc tế vẫn được coi trọng, hầu hết các nước phải thay đổi chính sách giáo dục quốc tế và nhập cư để cân bằng với những vấn đề nội địa. Nghĩa là về lâu về dài, đi đã khó, ở lại càng khó hơn. Du học sinh cần chuẩn bị cả tâm lý lẫn chiến lược dài hạn.

Lâm Vũ

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không đại diện hoặc phản ánh quan điểm của nơi tác giả làm việc.

Tin liên quan
Tin Nổi bật