Chương trình phát động được Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tối 5/10. Trong gần 6.000 tỷ đồng thu được cuối chương trình, có 2.600 tỷ do 61 địa phương huy động. Trước đó ngày 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, phấn đầu hoàn thành mục tiêu trước 5 năm so với nghị quyết của Đảng đề ra. Hưởng ứng phong trào, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn "ba cứng" gồm nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng, tuổi thọ từ 20 năm.
Thủ tướng cám ơn những nghĩa cử cao đẹp, đóng góp quan trọng của đồng bào cả nước, bộ ngành, địa phương cho chương trình. Từ nay đến hết năm 2025 còn 450 ngày đêm hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát. Ông kêu gọi cả hệ thống chính trị, đồng bào, cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục tinh thần "tương thân, tương ái", "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít".
Mục tiêu là thực hiện chủ trương lớn của Đảng "không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", nhanh chóng hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là vùng sâu, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trong những năm qua, hơn 1,7 triệu căn nhà đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, cả nước còn khoảng 400.000 căn nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo "ba cứng" hoặc thiếu hụt về chất lượng.
Để hoàn thành chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm xóa nhà tạm, nhà đột nát, theo ông Dung cần hoàn thành ba nhiệm vụ lớn. Đó là: hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn (200.000 căn) bằng ngân sách nhà nước; hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo các chương trình mục tiêu quốc gia (88.000 căn); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài hai nhóm nêu trên (153.880 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, cận nghèo), với kinh phí tối thiểu khoảng 6.500 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, nhà hảo tâm tham gia chương trình. Ảnh: Nhật Bắc
Ông Dung đề nghị xuất cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng tiết kiệm chi thường xuyên 5% năm 2024 của ngân sách địa phương và Trung ương cùng với nguồn lực xã hội hóa để thực hiện. Các địa phương kinh tế phát triển tự đảm nhận; nơi khó khăn, nghèo có cơ chế huy động nguồn lực hỗ trợ phù hợp.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương có ý nghĩa quan trọng và nhân văn theo tinh thần Nghị quyết số 42 của Trung ương, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững của Liên Hợp Quốc.