Phát biểu tại lễ trao giải tối 8/10 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giáo sư Hoàng Đạo Kính nghẹn ngào khi được vinh danh. Được mọi người ghi nhận là "hiệp sĩ của di tích" song ông cho biết bản thân chỉ đóng góp một phần nhỏ. Bằng tình yêu với Hà Nội, kiến trúc sư dành cả đời theo đuổi công việc bảo tồn các di tích của thành phố.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhà che bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị hư nát, khiến các tấm bia bị mưa nắng làm bào mòn. Năm 1994, tám nhà che bia do giáo sư Hoàng Đạo Kính chủ trì thiết kế được khánh thành, xây dựng theo kiến trúc truyền thống có mái ngói, kết cấu gỗ, phù hợp cảnh quan, công trình Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang và tổng thể di tích.
Cũng trong năm 1994, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chủ trì hội đồng trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội, theo chủ trương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó. Dự án được khởi công năm 1995 và hoàn thành hai năm sau đó. Theo ông Hoàng Đạo Kính, công trình sau trùng tu đã được nâng cấp và cải tạo một cách sâu rộng, đầy đủ hơn, xứng tầm là một trung tâm văn hóa tiêu biểu của Hà Nội và cả nước.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nhận định: "Những đóng góp của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ và những người đang công tác ở các lĩnh vực liên quan bảo tồn, phát huy giá trị di tích".
Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Hòa Nguyễn
Giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính 83 tuổi, sinh tại Hà Nội, có cha là nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Ông học trung học và đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Moskva, Nga. Ông đảm nhiệm chủ trì tu bổ nhiều kiến trúc trải dài từ Bắc vào Nam, như đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích. Bên cạnh đó, giáo sư chủ trì thiết kế chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, hệ thống chùa ở Sa Pa.
Một góc nhà che bia tiến sĩ. Ảnh: Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách Kiến trúc các nước Đông Dương (1988), Di sản văn hóa - Bảo tồn và trùng tu (2002), Ngõ phố người đời (2008), Văn hóa kiến trúc (2012). Ngoài công việc chuyên môn, giáo sư còn sáng tác tranh, từng tổ chức các triển lãm ở Hà Nội, TP HCM, Huế, Ba Lan.
Tại sự kiện tối 8/10, cuốn Hà Nội thời cận đại (1873-1945) của tác giả Đào Thị Diến đoạt giải Tác phẩm. Sách vượt qua hai đề cử còn lại là ấn phẩm Chuyến thăm Hà Nội của nhà văn người Mỹ Susan Sontag, do Phan Xích Linh dịch, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, thư viện Nguyễn Văn Hưởng xuất bản năm 2024 cùng phim điện ảnh Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn.
Hà Nội thời cận đại tập hợp những nghiên cứu của tác giả Đào Thị Diến về quá trình Hà Nội chuyển mình là thành phố hiện đại kiểu phương Tây, thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nội dung được tuyển chọn từ báo cáo khoa học và loạt bài tác giả viết về Hà Nội đăng trên nhiều báo, tạp chí và trang web Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, dựa trên các tài liệu từ thời Pháp thuộc của đơn vị.
Giải Ý tưởng thuộc về Đồ án cải tạo, chỉnh trang không gian, cảnh quan xung quanh hồ Thiền Quang và phụ cận, do UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức nghiên cứu và xây dựng vào năm 2023.
Hoạt động Quảng bá du lịch Hà Nội qua MV Going Home của nghệ sĩ saxophone Kenny G, do báo Nhân Dân và IB Group Việt Nam thực hiện thắng giải Việc làm. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi - thành viên hội đồng giám khảo - MV góp phần tôn vinh và lan tỏa hình ảnh đẹp về Hà Nội, từ đó thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao - Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái khởi xướng năm 2008, nhằm phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội, thể hiện tình yêu thủ đô. Năm ngoái, đạo diễn Đặng Nhật Minh được trao Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái.
Phương Linh