Hoài An, du khách Hà Nội, ghé thăm Bảo tàng nghệ thuật đương đại (Moca) ở Bangkok năm 2023, và ấn tượng với cách bài trí hiện vật bên trong. Cô đi gần 15 km từ trung tâm Bangkok, mua vé 180 baht (140.000 đồng) để được tới đây trải nghiệm những gì đã thấy trên mạng xã hội.
An nói không gian bảo tàng rộng, gam màu trắng chủ đạo khiến các bức tranh treo tường trở nên nổi bật. Nội dung các bức tranh đa dạng chủ đề, từ tôn giáo tới cảnh quan thiên nhiên. Các góc check in tại đây nhiều nên An thấy khách đến chỉ tập trung chụp ảnh giống mình.
"Tôi không hiểu rõ ý nghĩa của từng bức tranh nhưng chụp ảnh ở đây đẹp nên đáng công sức để đi", cô nói.
Công ty du lịch VNA Travel Hà Nội nhận thấy du khách Việt có niềm yêu thích đặc biệt với những bảo tàng "độc, đẹp và nổi tiếng" ở nước ngoài. Bảo tàng Cairo tại Ai Cập là ví dụ điển hình - nơi có hơn 12.000 hiện vật, bộ sưu tập được khai quật từ hầm mộ của vua Tutankhamun, nhân vật chính của rất nhiều bộ phim về lời nguyền xác ướp.
Khách Việt tham quan bảo tàng London, Anh năm 2022. Ảnh: Kim Hương
Một số bảo tàng khác cũng nằm trong danh sách "phải xem khi du lịch nước ngoài" của khách Việt có thể kể tới là Lourve ở Pháp, Bảo tàng BMW ở Đức hay Bảo tàng Vatican tại Vatican, theo Vietravel. Giám đốc Ban tiếp thị Nguyễn Nguyệt Vân Khanh nói xu hướng du lịch, tham quan bảo tàng bắt đầu được người Việt quan tâm nhờ truyền thông trên các phương tiện xã hội, trước đó hầu như không phổ biến.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc phòng tiếp thị và truyền thông Công ty Lữ hành Vietlux, nói các bảo tàng nước ngoài có sức hút nhờ quảng bá tốt, tạo cảm giác mong muốn được ghé thăm. Bên cạnh các yếu tố mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, bảo tàng nước ngoài được sinh động hóa cách tiếp cận qua hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng và công nghệ thực tế ảo, mang đến trải nghiệm thú vị.
Tuy nhiên, đại diện nhiều công ty lữ hành nói bảo tàng không phải là điểm khách Việt quá chú trọng trong lịch trình. Lịch tham quan nước ngoài thường chỉ có 1-2 điểm bảo tàng, còn lại là các trải nghiệm liên quan đến thiên nhiên, văn hóa địa phương.
Theo quan sát thực tế, Phó giám đốc Phạm Anh Vũ của công ty Du Lịch Việt thấy du khách hầu như chỉ dành thời gian ngắn để chụp ảnh khi tham quan bảo tàng nước ngoài, ít người thực sự đọc thông tin đi kèm hay tham gia các hoạt động tương tác. Ông đánh giá bảo tàng chỉ là một phần bổ sung thay vì yếu tố quyết định chọn tour.
Bảo tàng Louvre ở Pháp. Ảnh: AD
Dù vậy, so với các bảo tàng nước ngoài, sự quan tâm của khách Việt cho bảo tàng trong nước còn thấp hơn nhiều.
"Du lịch bảo tàng chưa đủ hấp dẫn với người Việt do thiếu gắn kết thực tế, không gian trải nghiệm nhỏ, chưa đáp ứng gu du khách", ông Vũ nhận xét.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nói bảo tàng trong nước có thể gặp phải một số vấn đề như cơ sở vật chất chưa hiện đại, thiếu không gian sống động và chưa khai thác được yếu tố trải nghiệm mà giới trẻ yêu thích.
Theo TS Lê Anh, nhu cầu tham quan bảo tàng của người Việt, đặc biệt là giới trẻ, đang có dấu hiệu gia tăng nhưng mục đích và hình thức tham quan có phần khác biệt. Nhiều người đến bảo tàng để tận dụng không gian chụp ảnh, chia sẻ trên mạng xã hội, bên cạnh việc tìm hiểu thông tin lịch sử hay văn hóa.
"Nhu cầu thực sự về tri thức lịch sử và văn hóa vẫn còn hạn chế", Tiến sĩ cho biết, nhấn mạnh nếu chỉ đơn thuần chụp ảnh, mục đích của bảo tàng như một nơi lưu giữ giá trị văn hóa chưa thực sự được phát huy.
Khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hôm 10/11. Ảnh: Gia Chính
Ngày 10/11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón lượng khách cao kỷ lục 40.000 người, gần bằng ngày đông khách nhất tại bảo tàng Louvre. Lý giải về hiện tượng này, nhiều đơn vị lữ hành nói yếu tố miễn phí vé vào cửa và quy mô lớn đã thu hút khách tham quan. Dù tâm lý "sống ảo, khoe mạng xã hội" cũng là một phần nguyên nhân, các công ty lữ hành vẫn đánh giá đây là tín hiệu tích cực, có thể đưa bảo tàng vào lịch trình tham quan trong tương lai.
Tiến sĩ Lê Anh đề xuất các bảo tàng trong nước nên thay đổi từ mô hình lưu giữ hiện vật khô khan sang không gian sáng tạo, truyền cảm hứng. Các giải pháp gồm đầu tư vào công nghệ như VR và màn hình tương tác; tổ chức sự kiện, workshop theo chủ đề; tạo không gian chụp ảnh thu hút để quảng bá qua mạng xã hội và hợp tác với trường học để nâng cao nhận thức văn hóa.
"Nếu hiện đại hóa và cải thiện trải nghiệm, bảo tàng trong nước sẽ ngày càng thu hút người Việt hơn", ông Lê Anh nói.
Tú Nguyễn