"Trận lũ quá kinh hoàng, nước dâng quá sức tưởng tượng, không thể đối phó" anh Hòa, 46 tuổi, trú thôn Hương Thi, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, kể.
Chiều 27/10, trời mưa tầm tã, nước từ khe suối đổ về ào ào, chảy qua các con đường liên thôn Hương Thi gây ngập cục bộ. Anh Hòa vội huy động cả nhà kê ba chuồng với 4.500 con gà lên cao 1,5 m, nhờ hàng xóm sang chuyển hơn 1.000 con vào nhốt trong nhà.
"Nhà nằm sát đồi, nền đất cao hơn các hộ trong thôn hơn nửa mét, tôi nghĩ đưa lên vị trí cao như vậy là an toàn rồi", anh Hòa nói. Nhưng nước lên quá nhanh, sau 10 phút đã ngập cả vùng.
Người dân thu gom gà chết tại trang trại của gia đình anh Hòa đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Hùng Lê
Đến tối, nhà đã ngập gần 2 m, anh Hòa phải lên gác xép tránh lũ. Sáng hôm sau, 1.000 con gà nhốt trong phòng khách chết ngạt nổi lềnh bềnh. Bên ngoài trang trại cách nhà chính 30 m, ba chuồng với 3.500 con lâm cảnh tương tự. Ba tấn cám để lại kho ướt nhão, hư hỏng.
Sau 8 năm nuôi gia cầm, anh Hòa tích góp xây dựng hệ thống chuồng trại khang trang, trị giá hơn 600 triệu đồng. Vụ này anh bỏ ra gần 500 triệu đồng, trong đó vay hơn 200 triệu đồng của ngân hàng và người thân để mua gà giống về nuôi, dự tính cuối năm nay bán dịp Tết.
"Năm nay mất Tết rồi", anh Hòa nói. Nhẩm tính lỗ 500 triệu đồng, anh Hòa bảo sau lũ lâm cảnh nợ nần, nhưng nếu buông xuôi thì càng tồi tệ hơn. Anh dự tính khi nước rút sẽ dọn sạch chuồng trại, cuối năm mong ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm vốn để nuôi lứa mới vớt vát.
Dụng cụ nuôi gà bị lũ cuốn trôi, được anh Cường gom lại để sắp tới vay mượn tiền làm vụ mới. Ảnh: Hùng Lê
Cách nhà anh Hòa khoảng 500 m, trang trại rộng 500 m2 của gia đình anh Đỗ Văn Cường, 30 tuổi, cũng ngập khiến 4.200 con gà giống chết ngạt. "Mấy hôm nay vợ chồng không ngủ được, trằn trọc suy nghĩ không biết sắp tới xoay trở đâu ra tiền để trả lãi", anh Cường nói.
Vụ này anh Cường đầu tư hơn 400 triệu đồng nuôi gà, có một lứa 1.500 con khoảng 20 ngày nữa xuất bán, còn lại bán Tết. Sáng 28/10, vợ chồng anh sốc khi thấy gà nổi lềnh bềnh giữa dòng lũ. "Mất hết rồi", anh Cường bảo đó là câu trả lời lặp đi lặp lại nhiều lần khi hàng xóm, họ hàng tới hỏi thăm.
Nếu thuận lợi, lứa gà này sẽ giúp gia đình anh Cường thu về hơn 100 triệu đồng để trang trải các chi phí thức ăn, vật tư, nhân công. Mất trắng tài sản, anh nợ khoảng 150 triệu đồng tiền vốn vay ngân hàng. Mấy hôm nay vợ buồn rầu không thiết ăn uống, anh chỉ biết động viên "thôi mình cố vụ sau".
Theo lãnh đạo xã Trường Thủy, mưa lũ khiến 32.000 con gà và 200 con lợn trên địa bàn bị chết ngại và cuốn trôi, thiệt hại hàng tỷ đồng. Chính quyền đã đến động viên chủ nuôi cố vượt qua mất mát, sắp tới tìm phương án hỗ trợ tái đàn.
Các ao nằm sát bờ biển xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch bị sóng đánh vỡ đê bao, cuốn trôi 7 tấn tôm. Ảnh: Đức Hùng
Tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, 6 ao tôm nuôi sát bờ biển ở thôn Thanh Xuân bị sóng đánh tan đê bao, cuốn 7 tạ tôm giống ra ngoài biển. Nhiều máy móc, thiết bị trong ao cũng bị những lớp cát dày vùi lấp. Tôm tuổi 15-60 ngày, chủ đầm tính toán thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Ông Hoàng Minh Thái, Chủ tịch huyện Bố Trạch, cho biết đang yêu cầu các phòng ban chuyên môn kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở tại các ao tôm, sau đó làm báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình xem xét việc đầu tư xây dựng bờ kè.
Ảnh hưởng của bão Trà Mi và không khí lạnh, từ ngày 25/10 đến 29/10, Quảng Bình liên tục mưa to. Tổng lượng mưa ở hồ Sông Thai đã lên 1.210 mm, hồ An Mã 870 mm. Rạng sáng 29/10, lũ sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đã lên cao nhất 4,14 m, vượt báo động ba 1,38 m, gây ngập diện rộng.
Người dân huyện Lệ Thủy chèo thuyền đi tránh lũ, ngày 30/10. Ảnh: Đức Hùng
Ngày 30/10, lũ rút chậm, vùng ngập vẫn rất lớn với 32.880 hộ dân (Lệ Thủy 19.700, Quảng Ninh 12.000 và TP Đồng Hới 1.000 hộ), mức ngập 0,5-1,5 m.
Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020. Năm đó toàn bộ vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bị ngập 2-4 m, kéo dài hơn 10 ngày, làm 25 người chết, thiệt hại kinh tế 3.500 tỷ đồng.