Trả lời:
Người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm cúm. Người mắc bệnh nền như tim mạch, phổi mạn tính hoặc tiểu đường cũng có nguy cơ xảy ra biến chứng khác ở phổi khi mắc cúm.
Triệu chứng ban đầu của cúm gồm ho, sốt, ngạt mũi, đau nhức người, sau đó bệnh có thể diễn biến nghiêm trọng nhanh chóng. Biến chứng thường gặp nhất của cúm là viêm phổi với triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh hô hấp thông thường. Nhiều người bệnh đến viện khi tình trạng chuyển nặng, gây suy hô hấp cấp, biểu hiện là khó thở, đau tức ngực kéo dài.
Bệnh nhân khám kiểm tra sức khỏe hô hấp. Ảnh minh họa: Bệnh viện Tâm Anh
Để ngăn biến chứng cúm mùa ở người cao tuổi, bố bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tiêm vaccine là phương pháp chủ động nhất, có thể phòng ngừa khoảng 90-98% nguy cơ nhiễm các chủng virus cúm, giảm biến chứng nghiêm trọng. Nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm để đảm bảo hiệu quả.
Vấn đề vệ sinh cần được chú ý tuân thủ dù virus cúm lây lan qua đường hô hấp. Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sạch hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc ở nơi đông người cũng là cách ngăn ngừa nhiễm bệnh.
Bố bạn nên ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng. Người cao tuổi chú ý bổ sung nhiều trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu vitamin C, D vào chế độ ăn hàng ngày. Các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ cũng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng miễn dịch. Giữ môi trường sống thông thoáng có thể hạn chế tác nhân gây bệnh tồn tại trong không khí.
Theo dõi sức khỏe định kỳ rất cần thiết để phát hiện sớm vấn đề tiềm ẩn. Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường hay cao huyết áp... cần khám, tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Phương ThúyKhoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp