Hội chứng đau bàng quang mạn tính là tình trạng mạn tính đặc trưng với các biểu hiện đau, căng tức vùng chậu, bàng quang kèm triệu chứng rối loạn đường tiểu dưới hơn 6 tuần nhưng không do nhiễm khuẩn đường tiểu. Tình trạng này thường gây rối loạn chức năng tình dục, rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh, Đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết những nguyên nhân gây đau bàng quang mạn tính gồm:
Viêm bàng quang kẽ: Bệnh viêm bàng quang không phải do vi khuẩn gây ra. Người bệnh có biểu hiện đau vùng trên mu, vùng chậu, bụng, tiểu rắt, tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu són trên 6 tuần.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát: Thời gian tái phát ngắn, ít nhất ba lần mỗi năm hoặc hai lần trong 6 tháng, do một số vi khuẩn có men thủy phân urê trong nước tiểu. Urê là sản phẩm phân hủy protein trong thức ăn tạo thành amoniac gây tổn thương lớp biểu mô niêm mạc bàng quang. Người bệnh có thể gặp triệu chứng tiểu máu, khó chịu khi đi tiểu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể xuất hiện tình trạng đề kháng kháng sinh.
Viêm bàng quang do xạ trị: Người bệnh có tiền sử xạ trị vùng chậu, tiểu khung (ung thư cổ tử cung, trực tràng, tiền liệt tuyến) với tổng liều chiếu xạ lớn, vùng bàng quang nhận chiếu xạ nhiều, làm tổn thương, suy giảm chức năng bảo vệ của lớp biểu mô bàng quang (GAG).
Hệ quả dẫn đến là tăng tính thấm, tạo điều kiện để các tác nhân gây hại xâm nhập đến các mô sâu hơn, tổn thương mô do thiếu máu cục bộ, hoại tử nội mô mạch máu và xơ hóa quanh mạch, gây tiểu máu tái phát (viêm bàng quang xuất huyết) và tăng nguy cơ rò thủng bàng quang. Điều này có thể khiến người bệnh tiểu máu cấp tính hoặc mạn tính.
Bác sĩ Oanh tư vấn về hội chứng đau bàng quang mạn tính. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Viêm bàng quang do hóa trị: Một số thuốc hóa trị tại chỗ trong điều trị ung thư bàng quang hay thuốc hóa trị toàn thân cũng khiến bàng quang bị tổn thương. Thuốc hóa trị bào mòn biểu mô bàng quang, làm hình thành vết loét gây đau, rối loạn chức năng bàng quang.
Bác sĩ Hồng Oanh cho biết có nhiều giả thuyết về cơ chế gây đau bàng quang mạn tính nhưng giả thuyết được chấp nhận rộng rãi là do thiếu hụt lớp glycosaminoglycan (GAG) trên bề mặt niêm mạc bàng quang. Lớp glycosaminoglycan tạo thành "hàng rào bảo vệ" bàng quang khỏi sự thẩm thấu của các chất độc hại trong nước tiểu xuống dưới niêm mạc và thành bàng quang.
Hội chứng đau bàng quang mạn tính có thể được điều trị bằng một số loại thuốc uống có tính kháng viêm, chống co thắt, thuốc giảm đau hoặc một số loại thuốc bơm trực tiếp vào bàng quang, tùy từng trường hợp người bệnh.
Để giảm triệu chứng đau bàng quang, bác sĩ Hồng Oanh khuyên tránh sử dụng bia, rượu, đồ uống chứa caffeine; không hút thuốc; hạn chế thức ăn chua, cay. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây; bổ sung thực phẩm giàu vitamin nhóm B, canxi, vitamin D3 như sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại ngũ cốc, thịt bò, cá hồi, hải sản, trứng.... Uống khoảng hai lít mỗi ngày và nhiều hơn tùy điều kiện thời tiết nắng nóng, vận động ra mồ hôi nhiều. Giảm căng thẳng, thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao.
Người có triệu chứng đau tức bàng quang đi kèm tiểu nhiều lần, tiểu buốt, tiểu máu, tiểu đêm... từ 6 tuần trở lên cần đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân để được điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp