Những thay đổi về thể chất, tâm lý khi trẻ dậy thì

30/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Trẻ Em Các Bệnh Nhi - Sơ Sinh Sức Khỏe
Những thay đổi về thể chất, tâm lý khi trẻ dậy thì

Ở tuổi dậy thì, trẻ trải qua nhiều thay đổi về vóc dáng, não bộ, tâm lý. Cha mẹ nên quan sát, đồng hành và định hướng để con phát huy khả năng, tăng trưởng tối ưu về thể chất, trí tuệ.

Thay đổi về thể chất

Trong quá trình dậy thì, cơ thể giải phóng một số hormone nhất định làm thay đổi về mặt thể chất, cơ quan sinh dục. Trẻ phát triển về chiều cao, cân nặng, xuất hiện mùi cơ thể, mụn trứng cá, lông. Hầu hết các bé gái tăng trưởng nhanh ở tuổi 10-14, còn trẻ trai là 14-17 tuổi.

Các bé gái bắt đầu phát triển ngực, có kỳ kinh nguyệt đầu tiên (thường là khoảng hai năm sau khi ngực và lông mu xuất hiện). Dương vật và tinh hoàn phát triển ở trẻ trai. Nếu dậy thì xảy ra sớm (tức trước 8 tuổi với bé gái, trước 9 tuổi với bé trai) hoặc muộn (sau 14 tuổi với bé gái, sau 15 tuổi với bé trai), cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa. Bỏ qua những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng xương của trẻ.

Thay đổi về nhận thức

Sự phát triển não bộ ở tuổi dậy thì cao hơn so với thời thơ ấu. Trẻ em có thể suy nghĩ logic về những điều cụ thể, giải quyết các vấn đề trừu tượng. Ở giai đoạn này, số lượng lớn tế bào thần kinh phát triển nhanh chóng, cho phép trẻ tư duy phức tạp, tinh vi hơn.

Thay đổi về cảm xúc

Ở tuổi dậy thì, tâm trạng của trẻ dễ thất thường, có thể bị cáu kỉnh và chán nản trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này xảy ra do thay đổi mức độ hormone. Trẻ có thể quan sát, đo lường và quản lý cảm xúc của mình, người khác. Song, quá trình phát triển cảm xúc mang đến cho trẻ cơ hội xây dựng các kỹ năng, khám phá những tố chất của bản thân.

Những thay đổi về thể chất, nội tiết tố và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chúng. Những thanh thiếu niên phát triển thể chất sớm hoặc muộn so với bạn bè cùng trang lứa có thể tự ti về cơ thể của mình.

Giai đoạn này trẻ trải qua nhiều thay đổi về tâm, sinh lý. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con. Phụ huynh có thể lắng nghe, giao tiếp, cố gắng không đưa ra phán xét quá khắt khe với con. Cha mẹ có thể giúp trẻ tự tin hơn, khuyến khích chúng tham gia vào các hoạt động lành mạnh. Khen ngợi con thường xuyên trong hoàn cảnh phù hợp cũng giúp ích.

Lê Nguyễn (Theo Cleveland Clinic)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật