Những yếu tố nguy cơ gây ung thư thận

29/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Thận Các Bệnh Sức Khỏe Tiết Niệu - Nam Học
Những yếu tố nguy cơ gây ung thư thận

Ung thư thận là loại ung thư đường tiết niệu thường gặp, trong đó nam mắc bệnh nhiều hơn nữ. Nguyên nhân chính xác gây bệnh chưa được xác định rõ, nhưng có những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển ung thư thận. Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh, ba yếu tố nguy cơ chính gây ung thư thận là béo phì, hút thuốc lá, tiền sử gia đình và di truyền.

Béo phì

Theo NSH, chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận. Nguy cơ này thậm chí còn cao hơn với người có BMI từ 30 trở lên. Béo phì làm tăng mức hormone estrogen, nhất là ở phụ nữ. Estrogen có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển.

Hút thuốc lá

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ung thư thận đáng kể. Thuốc lá có thể làm chậm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, bao gồm thận. Khi hút thuốc, phổi hấp thụ nhiều hóa chất gây ung thư trong khói thuốc lá vào máu. Vì thận làm nhiệm vụ lọc máu, nhiều hóa chất trong số này tích tụ ở thận. Một số hóa chất có thể làm tổn thương tế bào thận khiến chúng trở thành tế bào ung thư.

Người mắc các bệnh mạn tính khác như tiểu đường, cao huyết áp cũng có nguy cơ bị tổn thương thận nếu hút thuốc. Một nghiên cứu năm 2023 tại Nga trên hơn 200 bệnh nhân ung thư thận cho thấy khoảng 15-20% là những người thường xuyên hút thuốc.

Tiền sử gia đình

Người có cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con được chẩn đoán ung thư thận tăng gấp đôi nguy cơ mắc ung thư thận. Trong trường hợp này, di truyền làm tăng nguy cơ phát triển loại ung thư này.

Huyết áp cao

Tăng huyết áp có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư thận. Ngay cả khi dùng thuốc thường xuyên để kiểm soát huyết áp cao, nguy cơ này vẫn không giảm, theo NHS.

Huyết áp cao có thể làm co thắt và thu hẹp các mạch máu khắp cơ thể, bao gồm thận, dẫn tới giảm lưu lượng máu. Các mạch máu bị tổn thương khiến cơ quan này không còn hoạt động bình thường, không thể loại bỏ hết chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Ngược lại, chất lỏng dư thừa trong các mạch máu có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến suy thận.

Bệnh thận

Ở người mắc bệnh thận mạn tính (CKD), thận mất dần khả năng lọc chất thải ra khỏi máu. Mắc bệnh CKD giai đoạn cuối hoặc suy thận làm tăng khả năng ung thư thận, nhất là bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt thận triệt căn ung thư cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư thận của một người gồm sử dụng thuốc giảm đau nhẹ trong thời gian dài hoặc ở liều cao, tiếp xúc thường xuyên với amiăng hoặc cadmium tại nơi làm việc.

Người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của ung thư thận giai đoạn đầu. Nếu lo ngại về nguy cơ hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này, mọi người nên đi khám sớm để được bác sĩ kiểm tra thận.

Nên lưu ý các triệu chứng cảnh báo như nước tiểu có mùi hôi, đục hoặc có máu, buồn tiểu thường xuyên hơn, đau khi đi tiểu, đau lưng hoặc dưới xương sườn không giảm, đau bộ phận sinh dục, xuất hiện một khối u ở cổ hoặc lưng hoặc dưới xương sườn.

Một số loại ung thư thận có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Phương pháp điều trị thường là phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ thận. Nếu người bệnh có khả năng cao tái phát bệnh, bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại. Điều trị ung thư thận giai đoạn sau di căn sang các mô lân cận và các cơ quan khác khó khăn hơn.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khoảng 80% người mắc ung thư thận sống thêm 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm với ung thư thận di căn là 17%.

Anh Ngọc (Theo Medical News Today)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật