Ông Cơ có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá da trơn. Cuối năm ngoái ông chuyển hướng sang nuôi cá chình mun, theo đặt hàng của đối tác Nhật. Loài này được nhiều nông dân nuôi thương phẩm trong ao, bè song giá trị kinh tế không cao, chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Người đàn ông quê xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, kể có hai con trai đang du học ở Nhật, nhiều người thân cũng sống ở đây. Nhiều lần sang Nhật, ông đi thăm các trang trại nuôi cá chình (lươn Nhật). Nhận thấy vùng đầu nguồn sông Tiền hội đủ yếu tố thuận lợi để nuôi loài này, ông đề xuất phía đối tác chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.
"6 tháng mùa đông ở Nhật Bản rất lạnh, phải có hệ thống sưởi ấm cho cá chình. Trong khi nước ta khí hậu nóng quanh năm. Đầu nguồn sông Tiền nguồn nước sạch dồi dào", ông phân tích.
Ông Lê Văn Cơ (phải) đang cho cá chình ăn. Ảnh: Ngọc Tài
Ban đầu ông xây dựng trang trại rộng 800 m2 ở quê nhà, cạnh sông Tiền với 10 bể, nuôi thử nghiệm 25.000 con tìm hiểu tập tính loài và làm quen với hệ thống lọc nước tuần hoàn. Bể có dung tích 20 m3, bên dưới lót bạt. Tổng chi phí đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng.
Ông Cơ cho biết, theo quy trình, nước lấy từ sông Tiền qua bể lắng, sau đó đưa vào hệ thống tuần hoàn gồm lọc vật lý, xử lý vi sinh, cấp oxy rồi đưa vào hệ thống bể nuôi. Quá trình này mất ba ngày. Nước trong bể nuôi, mỗi ngày sẽ được tuần hoàn qua hệ thống để xử lý tạp chất, sinh vật có hại và bổ sung oxy mới. Mỗi giờ hệ thống sẽ xử lý xong một bể nuôi 20 m3.
"Lượng nước hao hụt do bốc hơi và lẫn tạp chất chiếm 4% tức mỗi ngày chỉ cần cấp bù đúng bằng số đã mất đi và tái sử dụng đến 96%, vừa tiết kiệm nước vừa bảo vệ môi trường vì không thải ra bên ngoài", ông phân tích, nói thêm lượng nước thải sẽ được xử lý để trồng rau thủy canh, tận dụng dưỡng chất giàu độ đạm.
Quy trình là vậy song khi áp dụng vào thực tế ông gặp nhiều khó khăn. Sau một tháng thả nuôi cá nổi đầu và chết dần. Ông kiểm tra và nhận thấy mang cá bị vi khuẩn ký sinh, khiến chúng nhiễm bệnh và lây lan nhanh. "Cá giống mỗi con 20.000 đồng. Chúng chết liên tục, mỗi ngày đi đứt mấy chục triệu đồng", người đàn ông tuổi ngũ tuần kể.
Cá chình mun nuôi tại trang trại của ông Cơ. Ảnh: Ngọc Tài
Ngay ban đầu, ông đã lường trước những khó khăn bởi quy trình của Nhật không thể tương đồng 100% khi áp dụng ở Việt Nam - nơi có thời tiết, thổ nhưỡng và cá giống khác nhau. Chủ mô hình cùng những kỹ sư thủy sản dần tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục như nâng cao nồng độ oxy, thay đổi quy trình chăm sóc. Mất gần 6 tháng, cả nhóm vui mừng khi cá dần thích nghi, lớn nhanh.
Sau gần một năm nuôi cá chình, ông nhận thấy loài cá này thích hợp ở môi trường 28-30 độ C. Trung bình 1,5 kg thức ăn (52 độ đạm - giá 144.000 kg) cho ra một kg cá thương phẩm. Quy trình nuôi đòi hỏi kiểm soát chặt từ nguồn nước đầu vào đến các chỉ số, nhất là độ hòa tan oxy. Do nuôi trong môi trường nước tuần hoàn, chỉ sai sót nhỏ có thể khiến tất cả bể nuôi gặp sự cố, thiệt hại nặng nề.
Tùy kích cỡ cá giống thả nuôi ban đầu, thời gian nuôi từ 3-12 tháng có thể xuất bán. Đối tác Nhật đặt hàng loại kích cỡ từ 250-300 gram, thịt cá có độ mỡ vừa phải. Tuần trước phía đối tác đã trực tiếp thăm trang trại của ông Cơ, dùng thử món cá chình nướng và khen ngon. Họ hẹn lần tới sẽ kiểm tra thêm một lần nữa trước đặt hàng xuất sang Nhật.
Đo nồng độ oxy trong nước tại trang trại nuôi cá chình. Ảnh: Ngọc Tài
Tới đây ông Cơ đã thở phào, yên tâm phần nào. Dự kiến, sau lô hàng đầu tiên ông sẽ nâng công suất lên 100 bể, sản lượng 100 tấn mỗi năm. Về doanh thu dự kiến hiện chủ trang trại chưa chia sẻ vì đang thương lượng giá bán với đối tác, song tin đây là hướng đi mới, bền vững cho vùng đầu nguồn sông Cửu Long.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, sau khi trực tiếp tham quan trang trại, cho biết mô hình mới với quy trình nuôi chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vào Nhật, sẽ là hướng đi mới, tận dụng lợi thế của địa phương.
"Ông Cơ đã phát huy kinh nghiệm trong sản xuất, tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác, áp dụng công nghệ hiện đại, phù hợp được xem là bài học thành công của mô hình", ông Phong cho biết và nói thêm mô hình là minh chứng hiệu quả cho cuộc vận động nông dân chuyên nghiệp mà tỉnh đang phát động.
Cá chình mun sống ở vùng nước ngọt nhưng khi trưởng thành di cư ra biển để sinh sản. Đây là loài vật sợ ánh sáng, thích hoạt động vào ban đêm, sống trong các hang sâu trên sông, suối. Ở Nhật Bản, món cơm lươn (cách người Nhật gọi cá chình) lọt vào top những món ăn được yêu thích nhất.
Nuôi cá chình xuất sang Nhật bằng hệ thống lọc tuần hoànToàn cảnh trang trại nuôi cá chình của ông Cơ. Video: Trần Thanh
Ngọc Tài