Sau hai tuần phát động, cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 với chủ đề "Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững" đã nhận được hàng chục dự án tham gia tranh tài. Đối tượng tham dự đa dạng, gồm các tổ chức, tập thể lẫn cá nhân đến từ Đồng Tháp và các tỉnh phía Nam như TP HCM, Cần Thơ, Long An.
Trong số các bài dự thi, chiếm ưu thế là dự án xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... Nổi bật, nhiều sáng kiến đã nhìn thấy giá trị từ những phế phẩm nông nghiệp. Nhóm tác giả Cần Thơ nêu ý tưởng tận dụng ấu trùng ruồi lính đen để tái chế phế phẩm từ ngành nông nghiệp, tiêu biểu như phế phẩm trái cây như xoài, khóm, thanh long... thành các sản phẩm protein và phân bón hữu cơ. Theo nhóm tác giả, những phế phẩm này vốn bị đổ bỏ hàng trăm tấn mỗi ngày ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu chính của dự án là giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải hữu cơ và cung cấp các giải pháp thay thế bền vững cho thức ăn chăn nuôi, phân bón hóa học.
Ngoài ra, phần vỏ gáo dừa, vốn bị bỏ thải sau khi sử dụng hết phần nước và cơm, lại được một cử nhân ngành quản trị kinh doanh đang công tác tại Đồng Tháp tận dụng để sản xuất than đước. Sáng kiến góp phần giảm thiểu lượng rác thải từ dừa, bảo vệ môi trường, phòng tránh các hoạt động chặt phá rừng làm than...
Một cá nhân khác ở Đồng Tháp có sáng kiến khai thác giá trị tích hợp đa tầng từ cây tre để phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Cụ thể, sản xuất phân vi sinh từ măng tre, sản xuất nông sản sạch măng tre, cùng nhiều giải pháp nâng cao giá trị kinh tế măng tre, bảo vệ sức khỏe - môi trường, tạo cơ hội cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.
Một đơn vị tại Long An tham gia giải thưởng bằng dự án phát triển ống hút làm từ cỏ bàng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cây cỏ tự nhiên. Thực tế, một số sản phẩm từ cỏ bàng của đơn vị đã xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh phát triển sản xuất, nhóm tác giả cũng có nêu ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái.
Làm áo mưa từ bã cà phê, xây dựng mô hình nuôi tôm thân thiện môi trường... cũng là những dự án nổi bật trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản tham gia Sáng kiến Mekong 2024. Bên cạnh đó, cuộc thi còn nhận được nhiều dự án trong lĩnh vực chế biến (như sản xuất chả chay, khô gà, tàu hũ vị nhãn, rượu vang nho...), du lịch và các sản phẩm hỗ trợ...
Những quả dừa quá lứa của một nông hộ Bến Tre hái năm 2023. Ảnh: Hoàng Nam
Đại diện ban tổ chức chia sẻ, các dự án đang gửi về rất sôi nổi. Nhiều dự án đang tận dụng, tái chế các phụ phẩm nông nghiệp, khai thác chế biến theo hướng hữu cơ tuần hoàn. Nhiều sáng kiến được thực hiện với mục tiêu góp phần ngăn chặn giảm thiểu ô nhiễm môi trường giảm phát khí thải nhà kính.
Cuộc thi Sáng kiến Mekong là một hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Startup) 2024. Cuộc thi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp với những sáng kiến về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, tìm kiếm các mô hình, dự án kinh doanh có tính thực tiễn cao.
Ban tổ chức bắt đầu nhận bài dự thi trực tuyến từ 5/10 và kết thúc vào ngày 25/10. Sau đó, ban giám khảo sẽ chấm sơ khảo, chọn các đội vào vòng bán kết - thí sinh sẽ thuyết trình (trực tiếp và online) để tìm ra 10 sáng kiến vào chung kết. Vòng chung kết và hội nghị gọi vốn đầu tư "Pitching Day" diễn ra trong khuôn khổ Mekong Startup tại Nhà văn hóa Lao động Đồng Tháp (14-16/11) . Top 10 sáng kiến sẽ trưng bày sản phẩm, mô hình, tư liệu và thuyết trình trực tiếp trước hội đồng giám khảo, các quỹ đầu tư.
Ngoài giải thưởng tiền mặt - một giải nhất (100 triệu đồng), một nhì (50 triệu đồng), một ba (30 triệu đồng) và 5 khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng), dự án đạt giải còn nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp. Chủ nhân các giải thưởng còn có cơ hội tham gia khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp trong khuôn khổ diễn đàn; được hỗ trợ hoàn thiện giải pháp sáng tạo theo kế hoạch của ban tổ chức và UBND tỉnh Đồng Tháp (theo chính sách được triển khai tại tỉnh).
Tham khảo thể lệ cuộc thi và nộp bài dự thi tại đây.
Kim Ánh