Són tiểu - bệnh khó nói của nữ giới

29/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Tiết Niệu Các Bệnh Sức Khỏe Tiết Niệu - Nam Học
Són tiểu - bệnh khó nói của nữ giới

Són tiểu hay tiểu không tự chủ là tình trạng nước tiểu đột ngột rỉ ra không kiểm soát ngay khi có cảm giác buồn đi tiểu hoặc khi hoạt động gắng sức như ho, hắt hơi, chạy, nhảy, mang vật nặng.

Ngày 13/9, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ước tính 24-45% phụ nữ trên thế giới có các triệu chứng són tiểu. Tại Đơn vị Niệu Nữ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khoảng 20-25% bệnh nhân nữ khám vì vấn đề này, đa số trường hợp nghiêm trọng. Nhiều người chấp nhận chung sống với bệnh do e ngại khám vùng kín hoặc nghĩ bệnh do lão hóa không thể chữa trị. Họ mặc cảm, tự ti vì phải dùng tã, bỉm thường xuyên, sống khép kín, hạn chế ra ngoài.

Như bà Giang, 52 tuổi, ngụ Tây Ninh, bị són tiểu 15 năm, chỉ ho, hắt hơi, cười lớn hay mang vật nặng là nước tiểu rỉ ra. Bà càng lớn tuổi, triệu chứng càng nghiêm trọng mới đến bệnh viện tìm cách điều trị. BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh chẩn đoán bà Giang bị tiểu không kiểm soát khi gắng sức mức độ nặng.

Tương tự, bà Nhung, 79 tuổi, ngụ Kiên Giang, són tiểu 8 năm nay, có cảm giác muốn đi tiểu là nước tự động rỉ ra, không thể nhịn. Lần này đến bệnh viện Tâm Anh khám, bác sĩ Liên chẩn đoán bà Nhung bị sa bàng quang mức độ ba, một phần bàng quang lộ hẳn ra khỏi âm đạo, kèm niệu đạo tăng di động nên són tiểu trầm trọng hơn.

Bác sĩ Hồng Oanh tư vấn về vấn đề són tiểu ở nữ giới. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Liên, tiểu không kiểm soát ở nữ giới liên quan đến hệ cơ sàn chậu suy yếu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phụ nữ sau sinh có nguy cơ cao, nhất là người sinh thường hoặc sinh con nhiều lần. Quá trình mang thai và sinh con làm giãn cơ sàn chậu quá mức, khiến nhóm cơ này mất sự đàn hồi, suy yếu, giảm khả năng nâng đỡ các cơ quan sàn chậu (tử cung, bàng quang, niệu đạo...), kéo theo giảm khả năng giữ nước tiểu trong bàng quang gây són tiểu.

Khi phụ nữ lớn tuổi, lão hóa và mãn kinh làm suy giảm nội tiết tố nữ estrogen vốn có tác dụng giữ đàn hồi cho cơ bàng quang, niệu đạo. Các nguyên nhân, nhóm nguy cơ khác gây bệnh gồm dùng đồ uống, thực phẩm kích thích bàng quang như bia rượu, cà phê, trà, đồ ăn chua cay, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thừa cân béo phì. Một số tổn thương thần kinh, táo bón lâu ngày, chấn thương vùng chậu, bệnh tiểu đường, bàng quang tăng hoạt... cũng có thể dẫn đến són tiểu.

"Són tiểu có thể điều trị được bằng các phương pháp không hoặc ít xâm lấn như tập sàn chậu, tiêm botox cơ bàng quang, laser âm đạo...", bác sĩ Liên nói.

Trường hợp nặng như bà Giang được bác sĩ Oanh chỉ định phẫu thuật đặt lưới nâng niệu đạo TOT (transobturator tape). Hai đầu tấm lưới nâng niệu đạo dài 50 cm được luồn vào trong qua hai đường mổ bên thành âm đạo để hỗ trợ nâng đỡ niệu đạo, ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài khi bàng quang đầy hoặc tăng áp lực ổ bụng khi hoạt động gắng sức.

Còn bà Nhung được phẫu thuật nội soi khâu treo bàng quang kết hợp đặt lưới TOT. Bác sĩ khâu một tấm lưới hình chữ T dài 15 cm vào âm đạo, dây chằng chậu lược hai bên và dọc theo bề mặt tử cung của người bệnh. Tấm lưới có tác dụng nâng đỡ, giữ không cho bàng quang sa xuống, ngăn són tiểu xảy ra.

Bác sĩ Phúc Liên (thứ hai từ trái qua) phẫu thuật nội soi điều trị sa bàng quang. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Sau phẫu thuật, cả hai người bệnh phục hồi nhanh, không đau, ăn uống bình thường, được xuất viện chỉ sau 1-2 ngày. Tình trạng tiểu không kiểm soát sẽ dần cải thiện và hết sau khoảng một tháng khi vết thương phẫu thuật phục hồi hoàn toàn.

Són tiểu thời gian dài có thể phát sinh các vấn đề về da như viêm loét, ngứa, phát ban, thường xuyên tái phát nhiễm trùng tiểu. Do đó, bác sĩ Liên khuyên phụ nữ không nên mặc cảm, giấu bệnh mà chủ động đến viện khám để được điều trị phù hợp, cải thiện sức khỏe và tinh thần, tránh biến chứng.

Thắng Vũ

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật