Trả lời:
Tai giữa và mũi nối với nhau bằng vòi nhĩ. Vòi nhĩ có vai trò điều hòa áp suất và dẫn lưu dịch, thường ngắn ở trẻ em và nằm ngang hơn so với người lớn.
Khi niêm mạc mũi họng sưng, ống này dễ tắc khiến dịch nhầy tích tụ trong tai giữa thay vì thoát ra ngoài, hình thành môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu trẻ bị viêm mũi họng, dịch nhầy và vi khuẩn dễ dàng di chuyển từ mũi họng ngược lên tai qua vòi nhĩ, gây viêm. Hệ miễn dịch của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện, khả năng chống lại tác nhân gây bệnh kém. Nguy cơ viêm tai giữa do vi khuẩn và virus từ mũi họng lan sang cao hơn.
Viêm tai giữa đôi khi không khiến trẻ đau nhức, còn được gọi là viêm tai giữa thể yên lặng. Việc chẩn đoán khó khăn, trẻ thường được phát hiện khi khám do ho, đau họng, chảy mũi. Viêm tai yên lặng không được điều trị kịp thời dễ gây biến chứng viêm xương chũm hoặc giảm thính lực. Bệnh chủ yếu được điều trị nội khoa. Nếu không đáp ứng thuốc, xuất hiện biến chứng, bác sĩ thường cân nhắc phẫu thuật.
Bác sĩ Thái Duy nội soi tai cho một bệnh nhi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bạn nên cho con tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, uống thuốc đúng chỉ định giúp trẻ nhanh khỏi bệnh. Bạn nên theo dõi sức khỏe trẻ, khi có các dấu hiệu nghẹt và chảy nước mũi, ho, sốt 3-5 ngày không bớt, nên đưa đi khám, tránh để bệnh chuyển biến nặng, gây biến chứng.
Để phòng ngừa viêm mũi họng, tránh biến chứng, bạn nên súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, dạy con vệ sinh tay thường xuyên. Nâng cao sức đề kháng cho con bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ngủ đủ giấc, duy trì vận động nhẹ nhàng. Nếu trẻ thường xuyên mắc các bệnh đường hô hấp, bạn đưa trẻ đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và có biện pháp điều trị kịp thời.
ThS.BS.CKI Phạm Thái DuyTrung tâm Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp