Thông tin được đại diện Tập đoàn PNE công bố trong lễ khai trương văn phòng đại diện tập đoàn tại Quy Nhơn, Bình Định, chiều 30/10. Đây là bước tiến quan trọng cho dự án điện gió thí điểm trong quan hệ hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức.
Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth, và ông Peter Kompalla từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam).
PNE là tập đoàn điện gió hàng đầu của Đức với hơn 30 năm kinh nghiệm, từng phát triển dự án năng lượng tái tạo ở 14 quốc gia, 4 châu lục với hơn 600 nhân viên nhiều kinh nghiệm, với tổng vốn đầu tư cho các Dự án năng lượng tái tạo hơn 13 tỷ euro. Từ 2019 đến nay, PNE đã tìm hiểu khảo sát để làm dự án điện gió ở Bình Định nhiều năm, nhưng chưa công bố địa điểm. Đến hơn một tuần trước, ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch PNE đã đến Bình Định cùng lãnh đạo tỉnh này xem vị trí.
Phát biểu trực tuyến hôm nay, ông Pedersen bày tỏ lòng biết ơn đến Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bình Định và các cơ quan ban ngành đã đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn trong việc thực hiện dự án Hòn Trâu.
Ông Pedersen nói "tập đoàn đặt niềm tin lớn vào tiềm năng hợp tác lâu dài với Bình Định, góp phần vào phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam".
Dự án Hòn Trâu nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo cấp cao của cả hai quốc gia. Kể từ năm 2022, các lãnh đạo PNE đã nhiều lần gặp gỡ và trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các lãnh đạo địa phương nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.
Với tổng công suất dự kiến đạt 2.000 MW, dự án Hòn Trâu được chia làm ba giai đoạn, với mục tiêu hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2030. Dự án dự kiến sẽ lắp đặt khoảng 50 turbin mỗi giai đoạn, với tổng vốn đầu tư lên đến 4,6 tỷ USD.
Ông Thorsten Fastenau, Phó chủ tịch điều hành của PNE, cho biết, đây là thành quả của quá trình gần 5 năm làm việc nghiêm túc và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương. "Chúng tôi tin rằng dự án Hòn Trâu sẽ là biểu tượng của hợp tác Việt - Đức trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh Bình Định và các bộ ngành Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh chuyên môn, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa dự án vào năm 2030", ông Fastenau nói.
PNE đặt tham vọng biến Hòn Trâu thành biểu tượng thành công của năng lượng gió ngoài khơi tại Việt Nam. "Chúng tôi coi Bình Định như quê hương thứ hai và quyết tâm đồng hành cùng địa phương để xây dựng thành công một trong những trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực", ông Fastenau nói.
Đại diện tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo PNE đã cùng nhau khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ và hướng tới hoàn thành các thủ tục cần thiết để đưa dự án vào vận hành đúng kế hoạch.
Hòn Trâu nằm ngoài khơi cửa biển Đề Gi, cách bờ gần 10 km. Vị trí này cách sân bay Phù Cát khoảng 30 km và cách TP Quy Nhơn khoảng 50 km. Hòn đảo mới được biết đến những năm gần đây khi đàn cá voi về biển Đề Gi.