Thai nhi nhiễm virus trong bụng mẹ

31/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
Thai nhi nhiễm virus trong bụng mẹ

Ngày 28/10, ThS.BS Nguyễn Ngọc Tú, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trường hợp thai nhi nhiễm CMV độ 4 có nguy cơ cao về di chứng thần kinh, giảm thính lực sau sinh. Nếu nhiễm ở mức độ 5, thai phụ được tư vấn đình chỉ thai kỳ.

Để điều trị cho thai nhi trong bụng mẹ, bác sĩ cho thai phụ uống thuốc giảm tải lượng virus. Qua siêu âm theo dõi, thai nhi dần phát triển ổn định, bất thường ở não giảm dần. Sau 7 tuần điều trị, thai phụ sinh mổ, bé chào đời khỏe mạnh. Bé được làm các xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng của virus và được quyết định điều trị theo phác đồ điều trị nhiễm CMV bẩm sinh ngay từ ngày thứ ba sau sinh.

"Quá trình điều trị khó khăn do thuốc điều trị CMV tại Việt Nam không có sẵn chế phẩm siro dành cho trẻ nhỏ", ThS.BS Nguyễn Thu Vân, khoa Sơ sinh, cho hay. Các bác sĩ khoa Sơ sinh phối hợp đơn vị Dược lâm sàng tìm cách pha chế thuốc cho trẻ từ thuốc viên của người lớn để đảm bảo sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn. Trẻ được điều trị và tái khám theo lịch hẹn để đánh giá hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc trong thời gian này. Trong 6 tháng điều trị, tải lượng virus CMV ở bé thấp dần và âm tính, không xuất hiện tác dụng phụ nào đáng kể.

Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ kiểm tra các mốc phát triển tâm thần vận động theo lứa tuổi, soi đáy mắt đánh giá bệnh lý võng mạc, kiểm tra thính lực bằng ghi đáp ứng thính giác thân não (ABR). Kết quả bé phát triển hoàn toàn bình thường, đạt chuẩn theo các mốc quan trọng.

Bác sĩ Tú cho biết CMV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, nhưng thai nhi nhiễm CMV bẩm sinh chẩn đoán không dễ do những dấu hiệu bất thường trên siêu âm mờ nhạt. Nhiều trường hợp khi phát hiện trên siêu âm đã muộn. Trường hợp thai nhi 30 tuần nhiễm CMV trên là giai đoạn phát hiện bất thường không sớm nhưng cũng chưa muộn. Nhờ phát hiện và điều trị kịp thời từ trong bụng mẹ, em bé giảm tối đa nguy cơ dị tật.

Bé gái nhiễm virus CMV từ trong bụng mẹ tái khám lúc 6 tháng tuổi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nếu mắc CMV ở tuần thai nhỏ, nguy cơ dị tật bẩm sinh nặng tăng. Biểu hiện nhiễm CMV bẩm sinh đa dạng, từ không triệu chứng trên lâm sàng đến ảnh hưởng nặng nề lên thai nhi như tổn thương não, mắt, mất thính lực, tổn thương gan, cơ quan tạo máu...

Nếu thai nhi có triệu chứng nhẹ hoặc vừa, chỉ có bất thường trên mẫu máu, hoặc không biểu hiện về não trên siêu âm, hoặc có bất thường đơn độc như ruột tăng âm, giãn não thất nhẹ... Nhóm này được theo dõi thêm bằng siêu âm, MRI có thể giúp cải thiện tiên lượng. Bác sĩ Tú cho biết hiện phương pháp điều trị CMV trước sinh vẫn hạn chế do phải thực hiện gián tiếp thông qua nhau thai của mẹ bầu.

Bác sĩ Tú siêu âm 4D chẩn đoán dị tật sớm cho thai nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Virus CMV lây sang người qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể của người nhiễm bệnh như máu, nước bọt... Hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Theo bác sĩ Tú, khám tiền hôn nhân là cách sàng lọc CMV hiệu quả nhất trước khi có thai. Thai phụ cần chú ý đeo khẩu trang ở nơi đông người, vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau ăn.

Trường hợp thai phụ dương tính với CMV, bác sĩ cân nhắc các yếu tố như mắc CMV tiên phát hay thứ phát, thời điểm nhiễm bệnh, mức độ ảnh hưởng của virus lên thai nhi để có hướng điều trị thích hợp.

Thanh Ba

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật