Thay khớp háng nhân tạo sau 18 năm ghép xương

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Chấn Thương - Chỉnh Hình
Thay khớp háng nhân tạo sau 18 năm ghép xương

Thông thường phẫu thuật ghép xương hiệu quả khoảng 5-10 năm. "Trường hợp ông Nam khá hiếm khi hiệu quả ghép gần 20 năm nhờ điều trị tốt và tuân thủ vận động, sinh hoạt khoa học", ThS.BS.CKI Lê Đình Khoa, Trưởng khoa Tái tạo khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói hôm 8/10.

Hiện kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh tái phát, khớp háng của ông Nam đã hoại tử hoàn toàn, không còn khả năng bảo tồn, gây đau buốt chạy dọc từ bẹn đến gối, hạn chế vận động. Bác sĩ Khoa chỉ định tái phẫu thuật khớp háng cho người bệnh bằng phương pháp thay khớp nhân tạo.

Bác sĩ sử dụng phần mềm TraumaCad để đo đạc, tính toán, chọn loại khớp có thể phục hồi gần giống giải phẫu tự nhiên của người bệnh. Phương án phẫu thuật là sử dụng kỹ thuật mổ ABMS kết hợp khớp háng bảo tồn xương tối đa. ABMS là đường mổ phía trước ngoài, giúp bảo tồn toàn bộ các nhóm gân cơ tự nhiên xung quanh khớp háng. Sau phẫu thuật, người bệnh ít đau, ít mất máu hơn, có thể vận động, xuất viện sớm hơn, tránh gặp các biến chứng như trật khớp, tổn thương dây thần kinh, liệt...

Bác sĩ Khoa (phải) phẫu thuật thay khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Khớp nhân tạo bảo tồn xương gồm hai thành phần chính là ổ cối và chỏm xương đùi. Ổ cối được làm bằng nhựa polyethylene, phủ titan trên bề mặt, có độ đàn hồi tương đồng với xương của người bệnh. Nhờ đó, người bệnh cảm thấy tự nhiên hơn khi vận động và ngăn ngừa mất xương xung quanh khớp nhân tạo, giúp kéo dài tuổi thọ khớp.

Chỏm xương đùi của khớp nhân tạo có dạng chuôi ngắn và cong, phù hợp với hình dáng cổ xương đùi tự nhiên của người bệnh, hạn chế nạo xương. Điều này giúp giảm tối đa mất xương, nếu sau này người bệnh cần thay khớp một lần nữa, vẫn còn đủ xương để thực hiện phẫu thuật.

Ngày đầu sau phẫu thuật, ông Nam có thể đi lại nhẹ nhàng không cần dụng cụ hỗ trợ, gần như hết đau. Chiều dài hai chân người bệnh được cân bằng, khôi phục dáng đi gần như bình thường. Sau mổ, ông tập phục hồi chức năng, bác sĩ tiên lượng phục hồi hoàn toàn sau 3 tháng.

Ông Nam tự đi lại ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Khoa cho biết hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn. Bệnh gây đau nhiều ở khớp háng và giới hạn vận động, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể gây tàn phế. Ngược lại, bệnh được điều trị ở giai đoạn sớm có thể kiểm soát tốt và bảo tồn được chức năng khớp háng mà không cần phẫu thuật. Trường hợp khớp hư hỏng quá nhiều, không thể bảo tồn, bác sĩ mới chỉ định thay khớp nhân tạo.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật