Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 7/10 ra chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định về tuyển sinh theo hướng tăng tính công khai, minh bạch, công bằng, tin cậy, giảm áp lực, tạo điều kiện cho học sinh chọn ngành nghề phù hợp với năng lực.
Các quy định cũng phải đảm bảo tuyển sinh khách quan, thực chất, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đào tạo và có tác động tích cực tới nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học ở bậc phổ thông.
Trước đó, hồi tháng 8, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, từng nhận định việc xét tuyển đại học sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông. Xét tuyển sớm cũng gây mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt của thí sinh, do đẩy điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp lên cao.
Thí sinh thi tốt nghiệp năm 2024 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thi tốt nghiệp. Kỳ thi dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/6, với bốn môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi tham khảo có tính ổn định nhằm giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong ôn tập, dạy và học. Đề thi phải đảm bảo chất lượng, có độ phân hóa, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi và tuyển sinh.
Ngoài ra, Bộ cần chuẩn bị từ sớm các điều kiện về con người, tài chính, cơ sở vật chất cần thiết để thí điểm thi trên máy tính từ năm 2027, đến khi có đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.