Thuốc miễn dịch thế hệ mới tăng cơ hội sống cho người ung thư phổi

30/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe Ung Thư
Thuốc miễn dịch thế hệ mới tăng cơ hội sống cho người ung thư phổi

Ngày 21/10, TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, thêm rằng trước đây thời gian sống của bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn và di căn chỉ tính bằng tháng. Người bệnh chịu nhiều đau đớn cuối đời, mục tiêu điều trị chủ yếu kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên, gần đây nhờ các loại thuốc miễn dịch thế hệ mới nên thời gian và chất lượng sống của người bệnh ung thư phổi tốt hơn.

Nghiên cứu của Mỹ trên hơn 1.200 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn tiến triển, di căn từ năm 2014 đến 2017, kết quả đăng trên tạp chí The Lancet cho thấy người bệnh điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đã cải thiện thời gian sống trung bình khoảng hơn 20 tháng, cao hơn nhóm hóa trị (12 tháng).

Ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao trong số các loại ung thư tại Việt Nam. Thống kê của Globocan năm 2022 ghi nhận ung thư phổi xếp thứ ba về số ca mắc mới với hơn 24.400 ca, chiếm 13,5% tổng số ca ung thư ở Việt Nam, và thứ hai về tỷ lệ tử vong. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ung thư phổi không tế bào nhỏ phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm là 65%, nhưng giai đoạn di căn chỉ còn khoảng 9%. Bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, không còn khả năng phẫu thuật. Những năm gần đây nhờ tiến bộ trong nghiên cứu y học, nhiều loại thuốc mới được đưa vào điều trị ung thư trong đó có liệu pháp miễn dịch.

Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch được Bộ Y tế cấp phép vào năm 2017, giúp cứu sống nhiều người bệnh ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này mới nên chi phí tương đối cao, chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Bộ Y tế đã phê duyệt nhiều chương trình tài trợ 50% chi phí thuốc của các hãng dược phẩm cho một số cơ sở khám chữa bệnh, giảm còn 40-70 triệu đồng cho mỗi lần điều trị, mang đến cơ hội tiếp cận thuốc cho nhiều người bệnh ung thư.

Tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hầu hết khối u ác tính ở phổi được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch được kiểm soát tốt. "Nhiều người bệnh sống trên hai năm. Có những trường hợp u tiêu biến, người bệnh sống thêm hơn 6 năm", bác sĩ Khiêm nói.

Như ông Duy, 55 tuổi, đến khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám trong tình trạng ho nhiều, nửa người bên phải tê yếu, tiền sử hút thuốc lá hơn 40 năm. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính phổi và cộng hưởng từ não, bác sĩ kết luận ông Duy bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn não, tiên lượng rất xấu. Nếu không điều trị, người bệnh chỉ sống được tối đa 6 tháng.

Xét nghiệm chuyên sâu về hóa mô miễn dịch và gene, bác sĩ phát hiện người bệnh có dấu ấn PD-L1, một loại protein giúp tế bào ung thư "ngụy trang" thành tế bào khỏe mạnh. PD-L1 trên tế bào u kết hợp với PD-1 trên tế bào lympho T, làm các tế bào u "trốn thoát" khỏi hệ thống miễn dịch. Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch sẽ cắt đứt mối liên kết này, giúp tế bào miễn dịch nhận diện và tiêu diệt chính xác tế bào ung thư.

Sau hội chẩn, các bác sĩ điều trị cho người bệnh bằng thuốc miễn dịch thế hệ mới. Thời điểm nhập viện, ông Duy chán nản, suy sụp, có ý định bỏ điều trị bởi nghĩ bệnh đã ở giai đoạn cuối, không còn hy vọng. Bác sĩ Khiêm kiên trì thuyết phục, ông đồng ý điều trị.

Trong gần một năm đến tháng 4/2022, người bệnh trải qua 8 chu kỳ truyền thuốc miễn dịch kết hợp hóa trị, 12 chu kỳ miễn dịch song song với chế độ dinh dưỡng tăng cường vitamin, khoáng chất để nâng cao thể trạng, tăng tốc độ phục hồi. Tác dụng phụ không đáng kể, chủ yếu là phản ứng dị ứng ban đỏ trên da. Trong quá trình điều trị, ông suy nghĩ tích cực hơn, thường xuyên đi bộ, đạp xe tăng cường sức khỏe phổi.

Kết quả chụp cộng hưởng từ vào tháng 8 năm nay cho thấy u não 3x4 cm biến mất. Trên phim chụp cắt lớp vi tính, u phổi phải 4x6 cm tương đương quả trứng gà chỉ còn là một dải xơ. Ung thư phổi là một trong những loại có độ ác tính cao, tốc độ tử vong nhanh, nhất là giai đoạn di căn não. "Kết quả điều trị của ông Duy rất đáng ngạc nhiên", bác sĩ Khiêm nói.

Kết quả chụp cộng hưởng từ não (trên) và chụp cắt lớp vi tính phổi (dưới) của ông Duy trước và sau điều trị. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Tương tự, ông Nguyên, 54 tuổi, quê ở Ninh Bình, bị ung thư phổi giai đoạn 4, u di căn vào màng phổi và não, thời gian sống khoảng 4-6 tháng nếu không điều trị. Ông Nguyên được làm xét nghiệm phát hiện có bộc lộ miễn dịch rất cao, đến 90%. Bác sĩ Khiêm đánh giá đây là tín hiệu tốt cho thấy khả năng đáp ứng với liệu pháp miễn dịch. Sau 36 tháng điều trị, khối u phổi nhỏ lại hơn một nửa, khối u não gần biến mất. Người bệnh hết phù não, ăn uống tốt, tinh thần thoải mái.

Tiến sĩ Khiêm tư vấn cho người bệnh về tầm soát ung thư phổi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Người bệnh dùng thuốc miễn dịch có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, phát ban da, chán ăn... nhưng nhìn chung nhẹ hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống. Theo bác sĩ Khiêm, để điều trị miễn dịch hiệu quả, cơ sở y tế phải có các công nghệ chẩn đoán cấp độ chuyên sâu như cấp độ tế bào và cấp độ gene, tìm ra dấu ấn sinh học, từ đó lựa chọn loại thuốc phù hợp. Phác đồ điều trị cũng cần xây dựng từ các bác sĩ liên chuyên khoa ung bướu, hô hấp, chẩn đoán hình ảnh, ngoại lồng ngực, giải phẫu bệnh để tối ưu hiệu quả.

Phòng ngừa ung thư phổi bằng cách không nên hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc. Khám và điều trị kịp thời các bệnh lý tại phổi cấp và mạn tính, tránh tiến triển thành ung thư. Ung thư phổi có thể phát hiện rất sớm và chính xác bằng cách chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp. Người từ 50 tuổi trở lên, hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc hoặc có tiền sử gia đình nên chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp hằng năm.

Hoài Phạm

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật