Tiếng Việt 'lắt léo và lịch lãm'

29/12/2024
|
0 lượt xem
Chính Sách Điểm Sách Giải Trí
Tiếng Việt 'lắt léo và lịch lãm'

Tác phẩm ra mắt hồi tháng 8, trong đó tác giả đặt vấn đề: "Dám nói rằng, dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?". Theo tác giả, trong quá trình phát triển, nhiều từ mang hàm nghĩa mới so với giai đoạn ban đầu, tạo nên sự khéo léo, nét duyên dáng của ngôn ngữ.

Ông khảo sát các khía cạnh của tiếng Việt qua bốn phần. Phần một mang tên Ăn theo thuở, ở theo thời bàn về sự biến hóa ngôn ngữ theo thời gian, thể hiện qua các hiện tượng: Từ mới hình thành, từ cũ chuyển nghĩa trong nhiều bối cảnh, cách diễn đạt mới với từ cũ.

Phần hai - Nhập gia tùy tục - phân tích hiện tượng sử dụng từ mượn rồi "Việt hóa", tạo nên sắc thái ngữ nghĩa riêng, lâu dần khiến người sử dụng tưởng là "thuần Việt". Ở mục Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ, ông bàn về sự phong phú của tiếng Việt thể hiện qua từ địa phương được sử dụng ở miền Trung. Trong phần cuối - Rành sáu câu... mút mùa Lệ Thủy, Lê Minh Quốc cho thấy sự đa dạng của tiếng Việt thể hiện qua phương ngữ Nam Bộ xưa và nay.

Bìa "Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm", 300 trang, ra mắt hồi tháng 8. Ảnh: NXB Trẻ

Tác giả nhận định bản sắc tiếng Việt nằm ở sự biến hóa, tóm gọn trong hai tính từ: "Lắt léo và lịch lãm". Ở mỗi phần, Lê Minh Quốc khảo sát nhiều ngôn ngữ như văn nói, văn viết, văn chương bình dân, bác học, đặt trong bối cảnh giao tiếp. Ông tra cứu, đối chiếu từ điển, tư liệu khảo cứu để truy tìm về nguồn gốc, quá trình biến chuyển của từng từ, chỉ ra nghĩa gốc và nghĩa chuyển, sự vận động của ngôn ngữ.

Trong những đối tượng khảo sát, Lê Minh Quốc tập trung vào văn chương bình dân, nhất là ca dao, tục ngữ. Theo tác giả, ngôn ngữ được đặt vào bối cảnh nhất định, gắn liền với văn hóa, lịch sử, thời sự, không thể tách rời nét riêng của từng vùng miền. Chúng lưu giữ "dấu vết văn hóa nghìn năm của người Việt", là những "viên ngọc còn tồn tại muôn đời" nên được lấy làm chuẩn mực khi sử dụng làm dẫn chứng cho một từ nào đó.

Ông còn dành hơn nửa dung lượng sách để đào sâu và khám phá phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ. Tác giả cho rằng câu nói "Mút mùa Lệ Thủy" gắn liền với khán giả mê cải lương, mỗi người sẽ có cách hiểu khác nhau. Có người nói nghĩa đen của thành ngữ là coi Lệ Thủy diễn cho đến hết mùa gặt lúa, vì trong mùa gặt, cận Tết Nguyên đán, các đoàn cải lương thường lưu diễn phục vụ. Đặc biệt, người dân miền Tây rất thích nghệ sĩ Lệ Thủy. Từ "mút" được hiểu là chỉ thời gian, là hết mùa gặt lúa ở miền Tây. Còn nghĩa bóng là theo đuổi đam mê đến cùng.

Người khác nói nghĩa gốc của câu này chỉ những người đi coi hát đợi xem nghệ sĩ Lệ Thủy diễn, đến cuối buổi mới chịu về nhà, hoặc chỉ những người bỏ công việc để đi nghe cô hát. Về sau, người ta dùng câu này với ngụ ý chỉ những người đi lâu ngày để làm gì đó, hoặc đi liên tục trong thời gian dài mới về.

Mặt khác, Tiến sĩ Trần Đình Bá nói không chỉ ở Nam bộ có câu "Mút mùa Lệ Thủy" mà miền Trung cũng dùng câu này. Lệ Thủy không phải là tên nghệ sĩ, mà là một huyện thuộc tỉnh Quảng Bình. "Ruộng lúa ở đây luôn tươi tốt xanh rợp tới chân trời do được phù sa sông Kiến Giang bồi đắp. Đi từ đầu cánh đồng đến cuối cánh đồng là xa tít mù tắp nên phải đi, gặt hết lúa phải rất lâu nên thành ngữ ví von đi 'mút mùa Lệ Thủy' là vậy", sách viết.

Sách "Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm" thuộc bộ "Tiếng Việt giàu đẹp", do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Ảnh: NXB Trẻ

Ngoài ra, tác giả còn đề cập một số tác phẩm văn học của Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Hồ Xuân Hương, Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, để làm dẫn chứng cho sự phong phú ngôn ngữ vùng miền. Nhóm từ ngữ xuất hiện trong đời sống như "trẻ trâu, bỉm sữa, ảo tung chảo, thổi giá, lùa gà, bom hàng, bóc phốt" góp phần chứng minh tiếng Việt luôn mở rộng, biến đổi và dung nạp những yếu tố mới, để diễn tả được nhiều điều.

"Bản sắc của bất kỳ một giá trị vật chất nào cũng không đóng khung, không cố định mà phải có sự vận động và thay đổi. Tiếng Việt cũng thế thôi. Chính cộng đồng sử dụng đương thời sẽ là tập thể quyết định cho bản sắc đó", tác giả nhấn mạnh.

Nhà thơ, tác giả Lê Minh Quốc qua tranh của họa sĩ Bùi Đức Lâm. Ảnh: Bùi Đức Lâm

Lê Minh Quốc, 65 tuổi, là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2020-2025). Ông là tác giả của hơn 50 cuốn sách thuộc nhiều thể loại như thơ, tiểu thuyết, tùy bút, biên khảo. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông gồm Tôi vẽ mặt tôi (1994), Yêu em, Đà Nẵng (1999), Du lịch của người câm (2005), Một ngày ở Mỹ (2008), Gái đẹp trong tôi (2010), Tôi và đàn bà (2013).

Quế Chi

Tin liên quan
Tin Nổi bật