Ra đời vào những năm 1980, trà sữa (trà trân châu đen hoặc boba) là loại trà cổ điển được người dân Đài Loan yêu thích. Ngày nay, thức uống này có đến hàng chục biến thể khác nhau nhưng về cơ bản vẫn gồm ba thành phần chính là trà, sữa và trân châu.
Theo CNN, ngành công nghiệp trà sữa toàn cầu năm 2024 được định giá 2,4-3,6 tỷ USD và không có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ tới.
Các loại trà sữa trân châu của Đài Loan. Ảnh: CNN
Năm 1949, nhân viên pha chế người Đài Loan Chang Fan Shu đã mở một cửa hàng nhỏ bán trà shou yao (trà lắc tay), được chế biến trong bình lắc cocktail. Thành phẩm là món trà đá sánh, đậm đà cùng lớp bọt mịn phía trên. Ngày nay, shou yao là "hồn cốt" của trà sữa trân châu. Nếu vắng thành phần này, trà sữa không còn là trà sữa nữa.
Những năm 1980, khi Đài Loan vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, xu hướng uống trà cũng trở nên thịnh hành. Ngoài các sản phẩm đóng gói công nghiệp sẵn có, nhiều quán trà mọc lên trên phố và vùng ngoại ô nhằm phục vụ thực khách.
Năm 1986, cố nghệ sĩ kiêm doanh nhân Tu Tsong He bắt tay vào kinh doanh trà. Trước đó, việc làm ăn của Tsong He gặp khó khăn khi nhà hàng lẩu của ông bị phá sản và gánh khoản nợ 4 triệu Đài tệ (124.000 USD). Khi ghé chợ Yamuliao ở Đài Nam, Tsong He nhìn thấy fenyuan (viên bột sắn dây phơi khô), món ăn yêu thích từ thời nhỏ. Tsong He muốn thêm những viên bột sắn này vào trong cốc trà của mình.
Sau đó, Tsong He làm ra những viên trân châu đen to hơn, dai và đậm vị hơn để cho vào các cốc trà sữa, tạo ra loại trà sữa trân châu đen cổ điển được nhiều người yêu thích ngày nay. Thời điểm đó, Tsong He gặp khó vì những viên chân trâu to hơn cả ống hút. Thực khách phải dùng thìa để ăn. Sau đó, ông đặt hàng để sản xuất những ống hút dành riêng cho loại trà này.
Hanlin, quán trà sữa trân châu đầu tiên của Tsong He, mở cửa vào tháng 10/1986 và nhanh chóng trở thành mặt hàng bán chạy trên thị trường. Doanh thu ổn định của quán giúp ông trả hết nợ. Hiện nay, Hanlin có khoảng 80 chi nhánh ở Đài Loan và nhiều chi nhánh nhượng quyền trên thế giới, từ Mỹ và Canada đến Trung Quốc đại lục.
Pha chế trà sữa trong một phòng trà tại Đài Loan. Ảnh: CNN
Tsong He không phải người duy nhất nhận là cha đẻ của trà sữa trân châu. Lin Hsiu Hui, Giám đốc sản phẩm tại chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu Chun Shui Tang nói mình là người tạo ra ly trà sữa đầu tiên tại một cuộc họp nhân viên vào năm 1988. Tang đã đổ những viên trân châu mang theo vào trà Assam và uống hết. Mọi người trong cuộc họp đều thích kiểu trà mới này và nó nhanh chóng trở thành sản phẩm bán chạy nhất của công ty vài tháng sau đó.
Nhân viên của Chun Shui Tang cũng tuyên bố thương hiệu của họ là đơn vị đầu tiên ra mắt loại trà bọt được lắc bằng bình lắc cocktail.
Sau 10 năm kiện tụng để giành quyền phát minh ra trà sữa, năm 2019 tòa án đã quyết định trà sữa là thức uống mà bất kỳ ai hay cửa hàng nào cũng có thể làm ra. Do đó, không cần tranh luận ai là cha đẻ của chúng.
Cuộc chiến giành quyền sở hữu trà sữa không có người chiến thắng, nhưng lý do gọi trà sữa là boba đã rõ ràng. Ban đầu, đây là từ chỉ những viên trân châu đen cỡ lớn để phân biệt với những viên fenyan cỡ nhỏ, do những người bán hàng rong ở Đài Nam nghĩ ra. Ngày nay, boba là từ chỉ trà sữa nói chung.
Dù có nguồn gốc như thế nào, trà sữa vẫn là một biểu tượng của ẩm thực Đài Loan. Theo nhà sử học Tseng, trà sữa phản ánh tâm trạng đặc biệt của người dân ở giai đoạn chuyển đổi từ cái cũ sang mới. "Nó thể hiện cảm xúc hoài cổ trong xã hội hiện đại", Tseng nói.
Ngày nay, trà sữa trân châu tiếp tục phát triển về hương vị lẫn thành phần. Các cửa hàng liên tiếp tạo ra các phiên bản trà sữa của riêng mình. Trong đó, làn sóng đồ uống trân châu không trà mới như sữa tươi đường đen cũng từng gây sốt. Các thương hiệu liên tục thử nghiệm, thêm vào trà sữa các thành phần như bánh oreo, dâu tây, bánh bông lan, khoai môn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ẩm thực, dù công thức có kỳ quái đến đâu, linh hồn của một ly trà sữa ngon vẫn luôn là trà.
"Trà sữa trân châu giới thiệu Đài Loan đến với thế giới, vì vậy nó rất quan trọng", Tsong He nói.
Anh Minh (Theo CNN)