Trải nghiệm tàu cao tốc của khách Việt trên thế giới

30/12/2024
|
0 lượt xem
Dấu Chân Du Lịch
Trải nghiệm tàu cao tốc của khách Việt trên thế giới

Hệ thống tàu cao tốc ở châu Âu

Blogger Vinh Gấu có chuyến du lịch dịp Giáng sinh năm 2022 đi qua Đức, Áo và Hungary, ấn tượng với hệ thống tàu cao tốc ở châu Âu - Eurail. Thông qua hệ thống, du khách có thể dễ dàng đặt chỗ trên các chuyến tàu đi qua 33 quốc gia với khoảng 30.000 điểm đến.

Các nhà ga lớn ở châu Âu thường nằm ngay trung tâm thành phố, giúp du khách di chuyển và khám phá thuận tiện. Thông thường, anh Vinh sẽ lên kế hoạch chi tiết cho các chuyến đi, bao gồm thời gian và địa điểm xuất phát để đảm bảo giữ chỗ trên tàu. Tuy nhiên, thay đổi lịch trình cũng rất dễ dàng, đặc biệt khi sử dụng Eurail Pass, hệ thống cho phép đặt và đổi chỗ miễn phí trên nhiều chặng tàu.

Ga tàu cao tốc ở Đức. Ảnh: Vinh Lê

Tàu cao tốc châu Âu có tốc độ trung bình khoảng 250-300km/h. Anh đánh giá tàu di chuyển êm, tương đương với các tàu cao tốc ở Nhật Bản và Hàn Quốc từng được trải nghiệm.

Các nhà ga ở châu Âu, đặc biệt tại các thành phố lớn, rộng và có nhiều đường tàu. Vì vậy, blogger khuyên du khách đến sớm trước khoảng một giờ để có thời gian xác định chính xác sân ga và số hiệu tàu. Các nhà ga đều có bảng hướng dẫn chi tiết kèm khu vực ăn uống, cà phê và tiện ích mua sắm trước khi lên tàu. Hạ tầng giao thông và kết nối giữa các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm với các ga tàu cao tốc chặt chẽ nên Vinh Gấu không gặp khó gì suốt hành trình.

Hệ thống shinkansen, Nhật Bản

Ngọc Trang, khách du lịch theo tour, tới Nhật Bản vào tháng 11/2023 và trải nghiệm shinkansen một lần. Nhà ga tàu cao tốc rộng như một trung tâm thương mại, bên trong có đầy đủ tiện ích như cửa hàng bánh kẹo, đồ uống và cả nhà hàng. Cô nói cảm giác trên tàu cao tốc như đi máy bay, tốc độ nhanh nhưng rất êm. Chỉ khi nhìn ra cửa sổ và thấy cảnh vật lướt qua nhanh chóng, du khách mới thực sự cảm nhận được tốc độ của tàu.

Blogger Nguyễn Sơn Tùng (Lạc) cũng đưa ra đánh giá tương tự sau 5 năm sống ở Nhật Bản, thường dùng shinkansen cho công việc. Anh nói có thể ngủ ngon dù quãng đường xa như Tokyo - Osaka, Tokyo - Niigata hay Tokyo - Nagoya vì tàu rất êm. Khi tới nơi, du khách có thể tiếp tục di chuyển bằng tàu địa phương hoặc xe buýt, không cần sử dụng máy bay.

Tàu Shinkansen đi qua vùng Hokkaido. Ảnh: Sơn Tùng

Tàu cao tốc thường nằm cùng nhà ga với các tàu địa phương nên việc chuyển đổi phương tiện thuận tiện. Tuy nhiên, Sơn Tùng lưu ý cần chú ý thời gian vì tàu Nhật Bản rất đúng giờ, nếu lỡ chuyến có thể phải chờ lâu. Dù shinkansen có vận tốc tới hơn 300 km/h, du khách ngồi trong không cảm thấy sự khác biệt rõ rệt vì lớp kính giảm tốc, chỉ có thể cảm nhận khi đứng ngoài nhìn tàu chạy.

"Ngay cả ly nước để bàn hầu như cũng không rung", anh nói.

Hệ thống tàu cao tốc KTX, Hàn Quốc

Kim Hương, sống tại Hà Nội, du lịch Hàn Quốc cùng gia đình hồi tháng 9 và chọn tàu cao tốc để di chuyển giữa Seoul, Busan. Cô nói giá vé tàu cao tốc có thể không tiết kiệm hơn vé máy bay nhưng chọn phương tiện này vì ga tàu đặt ở trung tâm, không mất thời gian di chuyển. Ngoài ra, cô và gia đình cũng muốn trải nghiệm sự khác biệt giữa các hệ thống tàu cao tốc trên thế giới.

"Nội thất trên tàu khá mới, sạch sẽ và êm nên du khách hầu như không cảm nhận được vận tốc cao", cô nói.

Hà Thị Hà, du khách Hà Nội, cũng từng trải nghiệm KTX và đánh giá cao về tốc độ, sự êm ái. Với mức giá 50.000-70.000 won (930.000-1,3 triệu đồng) cho hành trình Seoul - Busan, cô nghĩ hoàn toàn xứng đáng vì tiết kiệm thời gian, tránh ùn tắc giao thông khi so với xe buýt.

Một đoạn trên hệ thống đường sắt cao tốc KTX. Ảnh: Korean Train

Nữ du khách cũng thích không gian trên tàu vì ghế rộng, thoải mái, có cả quầy bán hàng tự động và wifi. Nhà vệ sinh được trang bị hệ thống cửa tự động và phân biệt theo giới tính nên du khách cần chú ý ký hiệu. Hà khuyên du khách muốn trải nghiệm KTX nên xem kỹ bảng hướng dẫn tại ga - được trình bày dễ hiểu như ở sân bay.

Hệ thống tàu CHR, Trung Quốc

Ngọc Châm, đại diện công ty du lịch Top One Travel, nói đã hơn 10 lần sử dụng tàu cao tốc ở Trung Quốc với các tuyến như Hà Khẩu - Côn Minh, Hà Khẩu - Đại Lý và Lệ Giang - Côn Minh; nhận xét "tàu êm như đi máy bay". Điều chị ấn tượng là tàu có thể đạt tốc độ hơn 200 km/h nhưng vẫn êm, khoảng cách giữa ghế ngồi rộng nên thoải mái ngả mà không ảnh hưởng người ngồi sau.

Tàu cao tốc di chuyển từ Côn Minh tới Lệ Giang. Ảnh: Tú Nguyễn

Ở nhà ga, du khách cũng dễ dàng tìm thấy những cửa hàng mua sắm, khu ăn uống hoặc ghế mát xa. Theo chị Châm, sử dụng tàu cao tốc tiết kiệm thời gian di chuyển, tối ưu thời gian tham quan và bảo đảm sức khỏe cho du khách.

Hệ thống tàu THRS, Đài Loan

Trần Trọng An, sống ở Hà Nội, từng nhiều lần đến Đài Loan và sử dụng tàu cao tốc để di chuyển từ Đài Bắc tới Cao Hùng. Khoảng cách giữa hai điểm là 350 km nhưng thời gian di chuyển chỉ tốn 90 phút. Tại nhà ga đến, anh dễ dàng tiếp cận với hệ thống metro, đường sắt, xe buýt, taxi hoặc các phương tiện giao thông khác.

"Sáng dậy lên tàu ở Đài Bắc, tôi có thể đến Đài Trung hoặc Cao Hùng ăn sáng vẫn thoải mái giờ làm việc hoặc đi tham quan", anh nói.

Bên trong nhà ga đường sắt tốc độ cao ở Đài Loan. Ảnh: Cleeswanders

Ông Phạm Anh Vũ, đại diện Du lịch Việt, cũng ấn tượng tốt với hệ thống tàu THSR của Đài Loan. Hầu hết hành trình tour đi Đài Loan đều có ít nhất một chặng di chuyển bằng tàu để du khách Việt trải nghiệm. Tàu có tốc độ tới 300 km/h nhưng không xảy ra tình trạng rung lắc.

Các nhà ga ở Đài Loan được thiết kế hiện đại và nằm ở trung tâm với biển chỉ dẫn rõ ràng giúp du khách dễ dàng tìm lối ra vào hay chuyến tàu kết nối. Nhà ga ở Đài Bắc và Cao Hùng còn có khu mua sắm, nhà hàng, tạo không gian thoải mái trong khi chờ đợi tàu.

"Trải nghiệm không kém ở châu Âu hay Nhật Bản", ông nói và cho biết mức giá khoảng 1.000-1.500 Đài tệ (800.000-1,2 triệu đồng) cho một lượt đi từ Đài Bắc tới Cao Hùng là xứng đáng.

Hoài Anh

Tin liên quan
Tin Nổi bật