Ngày 23/10, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ở người bình thường, dây chằng nằm trên cao, động mạch chủ đi qua dây chằng, xuống dưới bụng rồi mới phân nhánh động mạch thân tạng. Trường hợp bà Tuyết, dây chằng đi ngang qua chỗ xuất phát, chèn ép động mạch thân tạng gây hẹp, khiến bệnh nhân đau bụng nhiều năm. Đây gọi là hội chứng dây chằng cung giữa.
Ảnh minh họa dây chằng bình thường (A) và hội chứng dây chằng cung giữa (B). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Khi bà đến bệnh viện Tâm Anh khám, bác sĩ nghi ngờ triệu chứng đau bụng do bệnh liên quan đến dạ dày, đại tràng, gan, mật, tụy, lá lách. Tuy nhiên, tất cả kết quả cận lâm sàng thường quy đều không phát hiện nguyên nhân khiến bà đau bụng dai dẳng.
Trước đó bà Tuyết đi khám ở các cơ sở y tế khác, được chẩn đoán mắc bệnh lý tiêu hóa, uống thuốc giảm đau, thuốc dạ dày giảm, song triệu chứng không hết hẳn, cơn đau trở thành mạn tính. Bà sụt cân, có thời điểm sụt 3 kg trong hai tháng, mệt mỏi.
Theo bác sĩ Dũng, hội chứng dây chằng cung giữa khó chẩn đoán do triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa. Người bệnh thường đau bụng mạn tính, đau có thể xảy ra lúc nghỉ, đau thượng vị (trên rốn) sau ăn, chán ăn, buồn nôn, nôn, sụt cân.
ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhận định để giải phóng động mạch thân tạng bị hẹp do hội chứng dây chằng cung giữa, không thể áp dụng phương pháp nong mạch máu như các ca thông thường. Êkíp chọn phẫu thuật nội soi cắt dây chằng cung giữa.
Bệnh nhân được mổ ít xâm lấn bằng cách mở 4 đường mổ nhỏ (1 cm) vùng trên rốn, đưa ống soi vào tiếp cận vùng cơ hoành. Dưới sự hỗ trợ của camera nội soi, các bác sĩ nhìn rõ đoạn mạch bị hẹp và dây chằng bao quanh. Kíp mổ cắt bỏ các dây chằng cung giữa giúp cho động mạch thân tạng không bị chèn ép. Sau mổ bà Tuyết giảm đau bụng khoảng 80%, ăn uống bình thường, xuất viện sau ba ngày.
Bác sĩ Dũng (cạnh phải) cùng êkíp phẫu thuật nội soi cắt dây chằng cung giữa cho bệnh nhân. Ảnh: Thu Hà
Bác sĩ Thủy cho hay hội chứng dây chằng cung giữa (MALS) có tỷ lệ mắc 2/100.000 người, thường gặp ở tuổi 40-60, đôi khi xảy ra ở trẻ em. Phẫu thuật giải phóng dây chằng là phương pháp điều trị duy nhất cho hội chứng này. Sau đó, bệnh nhân cần tái khám định kỳ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp