Xử trí khi chảy máu tai

30/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Về Tai Các Bệnh Sức Khỏe Tai Mũi Họng
Xử trí khi chảy máu tai

Chảy máu tai có thể do nhiều nguyên nhân như vết thương, chấn thương ở ống tai ngoài, tổn thương màng nhĩ, viêm ống tai ngoài, dị vật, khối u...

BS.CKI Phan Ngọc Hưng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, khuyến cáo người bị chảy máu tai cần nhanh chóng cầm máu bằng cách lau sạch vùng da xung quanh tai, dùng bông gòn, gạc sạch ép vào vị trí chảy máu để ngăn dòng máu. Trong trường hợp không có dụng cụ y tế, người bệnh dùng ngón tay ấn vào nắp bình tai (nắp sụn đối diện với ống tai ngoài), đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Không tự ý nhét lá, thuốc không rõ nguồn gốc, dễ gây biến chứng và nhiễm trùng nặng hơn.

Sau khi làm sạch máu chảy ở tai, bác sĩ đánh giá mức độ chảy máu, vị trí và nguyên nhân chảy máu, từ đó xử trí phù hợp.

Vết thương và chấn thương vành tai, ống tai thường do tai nạn, ẩu đả... có thể đi kèm tổn thương sụn vành tai. Chảy máu tai do vết thương thường ở mức độ ít đến trung bình, có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau. Vết thương này được điều trị bằng cách cầm máu tại chỗ, khâu vết thương, tái tạo vành tai nếu mất nhiều mô.

Bác sĩ Hưng nội soi tai mũi họng cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Phòng khám đa khoa Tâm Anh quận 7

Tổn thương màng nhĩ, chảy máu tai do nguyên nhân này thường hết khi màng nhĩ được làm sạch. Vết thủng màng nhĩ có thể tự lành nếu tổn thương không gây nhiễm trùng. Số ít trường hợp màng nhĩ thủng không tự lành, lúc này bác sĩ xem xét phẫu thuật vá nhĩ cho bệnh nhân.

Dị vật tai như hòn sỏi nhỏ, hạt cát, hạt cườm, đồ chơi nhỏ hoặc sinh vật sống bò, cắn, làm tổn thương da, gây cảm giác khó chịu và lo lắng cho người bệnh. Nếu không xử lý đúng cách, dị vật có thể dẫn đến tổn thương ống tai, màng nhĩ, gây nhiễm trùng. Người bệnh thường được chỉ định loại bỏ dị vật, sau đó sát khuẩn và cầm máu. Tùy vào độ khó và khả năng chịu đựng của người bệnh mà thao tác lấy dị vật qua nội soi tê hoặc gây mê (nhất là ở trẻ em).

Nhiễm trùng gây chảy máu tai được điều trị bằng cách làm sạch, sát khuẩn vùng nhiễm trùng, kết hợp dùng thuốc kháng sinh và các thuốc hỗ trợ khác.

Chấn thương đầu có chảy máu tai là chấn thương nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị chấn thương vỡ sàn sọ, cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Bác sĩ ưu tiên kiểm tra và điều trị vấn đề ở sọ não hoặc nguyên nhân gây nguy hiểm cho người bệnh trước, sau đó mới đánh giá các vấn đề còn lại.

Khối u ở ống tai, xương thái dương, hòm nhĩ (khoảng thông khí trong xương thái dương) ít gặp và triệu chứng chảy máu tai cũng không phổ biến ở các loại u này. Theo bác sĩ Hưng, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho tất cả khối u lành tính. Với khối u ác tính, tùy theo giai đoạn, người bệnh cần được phối hợp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.

Đức Trí

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật